Đầu tháng 4, VN-Index tăng liền 2 phiên, vượt đỉnh lên 1.524,7 điểm (ngày 4/4). Ngay sau đó, thị trường bất giờ “giở mặt” khiến VN-Index giảm khoảng 140 điểm, xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 5 tháng. Theo đó, vốn hoá thị trường mất khoảng 20 tỷ USD. Hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh, trong đó có đến hàng trăm cổ phiếu nằm sàn.
Thị trường “lao dốc”
Áp lực bán tháo lan rộng trên toàn thị trường khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, thậm chí muốn rời bỏ thị trường khi nhìn tài khoản bị “bào mòn” một cách chóng vánh, nhất là những nhà đầu tư lỡ ôm cổ phiếu “mô hình cây thông”.
Khối ngoại đi ngược thị trường khi liên tiếp mua ròng những phiên gần đây. |
Còn nhớ, tháng 4/2021, VN-Index đã có khởi đầu rực rỡ và chính thức vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Sau đó 3 tháng, thị trường tiếp tục thiết lập đỉnh mới trên 1.420 điểm.
Trước đó, tháng 4/2020, VN-Index cũng tạo ra cú hồi lịch sử sau khi rơi xuống đáy, tạo “bàn đạp” cho thị trường bứt phá và lấy lại những gì đã mất chỉ hơn 2 tháng từ khi tạo đáy. Việc này cũng đóng góp lớn vào việc thu hút quan tâm của người dân, tạo nên làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán lớn chưa từng có và đến nay vẫn còn nguyên sức nóng.
Nhìn chung, tháng 4 thường không phải khoảng thời gian quá đáng sợ với thị trường bởi được hỗ trợ từ những kỳ vọng của thông tin đến từ mùa Đại hội cổ đông và báo cáo tài chính quý I.
Tuy nhiên, trong 2 tuần qua, nhà đầu tư liên tục rơi vào trạng thái “hi vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn”, hoang mang trong các quyết định mua bán vì không thể rõ xu hướng thị trường đi đâu và về đâu. Hầu hết phiên giảm sâu nào của thị trường cũng đều ghi nhận áp lực bán mạnh mẽ trong thời gian cuối phiên, mặc dù trước đó thị trường vẫn hồi mạnh, thậm chí còn bứt phá.
Theo giới phân tích, một số thông tin bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán và tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới cùng với xu hướng chốt lời đã khiến thị trường trải qua một vài phiên điều chỉnh.
Từ đó kéo theo tâm lý giao dịch có phần hoảng loạn của các “chứng sỹ”. Ngoài ra, hiện tượng "call margin" ở nhiều nhóm cổ phiếu cũng là nguyên nhân làm cho tình hình giao dịch trên thị trường trở nên tiêu cực.
Khối ngoại miệt mài mua ròng
Trong bức tranh “ảm đạm” của toàn thị trường, có lẽ việc khối ngoại vẫn tích cực mua vào là điểm sáng, mang tới tâm lý tích cực và tia hi vọng sáng cho toàn thị trường.
Thống kê cho thấy, tài sản của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 50 tỷ USD. Tính từ ngày 13/4 đến nay, trong lúc thị trường liên tục “lao dốc”, khối ngoại đã mua ròng khoảng hơn 1.700 tỷ đồng (46,7 tỷ đồng trên HNX và 1.662 tỷ đồng trên HoSE). Xa hơn chút, tính từ 7/4, khối ngoại cũng mua ròng 600 tỷ trên cả hai sàn.
Trong đó, các cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là GEX, VPB, MWG, NVL, CTG… Đáng chú ý là thương vụ khối ngoại chi 1.500 tỷ đồng mua cổ phiếu MWG (Thế giới di động) ngay khi cổ phiếu này hở room ngoại.
Đặc biệt, trong phiên ngày 15/4, khối ngoại mua ròng gần 111 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực mua tập trung “gom” các mã như VPB (80 tỷ đồng), CTG (64 tỷ đồng), DPM (56 tỷ đồng), hay mã CII (53 tỷ đồng)...
Tương tự, trong phiên 19/4, khối ngoại đã chi gần 100 tỷ đồng mua 3 triệu cổ phiếu GEX sau những “tin đồn” khiến cổ phiếu lùi rơi về vùng 29.000-30.000 đồng/cp.
Có thể thấy, so với quy mô thị trường, mặc dù khối ngoại mua ròng nhỏ nhưng trong lúc thị trường trở thành nỗi “ám ảnh” của nhà đầu tư thì việc này mang tới thông tin tích cực bởi nó thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt.
Theo đánh giá của Dragon Capital, việc lãnh đạo FLC cùng Tân Hoàng Minh bị khởi tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, đặc biệt là đối với các cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, các sự kiện này sẽ không gây ra tác động lâu dài bởi việc này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi cổ đông và thúc đẩy nhà đầu tư hướng về nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
Dragon Capital dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong Quý I/2022 của các công ty vẫn đạt mức trung bình 15%. Trong đó, nhóm Ngân hàng đạt 20-25%, vượt trội so với thị trường.
Bên cạnh đó, quỹ ngoại này cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam tiếp đà hồi phục và khởi sắc trong Quý I đạt mức 5%, cao hơn mức 4,7% và 3,7% của cùng kỳ năm 2021 và 2020. Và sự phục hồi kinh tế có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa nếu biến chủng Omicron không lan mạnh. Các dự án đầu tư cũng được kỳ vọng sẽ được nhanh chóng triển khai trở lại trong Quý II khi mà chuyến bay quốc tế được khôi phục trở lại và các hạn chế Covid-19 cũng đang dần được gỡ bỏ.
Mới đây, Dragon Capital đã chi 600 tỷ mua vào cổ phiếu MWG phiên 15/4, liên tiếp mua vào cổ phiếu GEX và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này, đồng thời mua thêm cổ phiếu DXG, trở thành cổ đông lớn của DGC… Đây cũng là một trong những quỹ ngoại bung tiền lớn nhất vào thị trường chứng khoán Việt thời điểm hiện tại.
Tương tự, Pyn Elite Fund, quỹ đầu tư có giá trị danh mục 842 triệu Euro cũng đánh giá việc xử lý một số vụ thao túng trên thị trường chứng khoán gần đây sẽ giúp bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Pyn Elite Fund cũng dự báo, tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 các doanh nghiệp niêm yết vào khoảng 25%, tương ứng P/E dự phóng VN-Index năm 2022 ở mức 13,3 lần. Việc các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nhiều thị trường chứng khoán thế giới suy yếu cũng là yếu tố trở nên hấp dẫn.
“Kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 cũng như 2023”, ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư Pyn Elite Fund nhận định.
Hải Giang