Diễn biến lao dốc trong 2 tuần vừa qua khiến thị trường liên tục đánh mất các mốc hỗ trợ quan trọng. VN-Index lùi về sát mốc 1.230 điểm cùng sự nới rộng biên độ giảm giá của nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn.
Những tín hiệu kém khả quan
Riêng trong tuần giao dịch trước, VN-Index đã mất hơn 24 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về điều chỉnh, áp lực bán mạnh trên hầu hết các nhóm ngành.
Không chỉ điều chỉnh mạnh, thị trường còn ghi nhận nhiều tín hiệu "kém sắc" như việc thanh khoản trên cả 3 sàn tụt xuống mức thấp nhất 4 năm.
Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp thể hiện dòng tiền bắt đáy vẫn chưa tham gia giải ngân nhiều, giá trị giao dịch bình quân chỉ tính khớp lệnh đạt 9.875 tỷ đồng, giảm 2% so với tuần trước đó. Đây là mức thanh khoản thấp nhất (xét theo tuần) kể từ tháng 5/2023, trong đó cả ba nhóm nhà đầu tư chính (cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài) cùng giao dịch kém tích cực đi.
VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm điểm và xuống 1.200 điểm. |
Về giao dịch của khối ngoại, dòng vốn ngoại mua ròng trong phiên đầu tuần, tuy nhiên nhanh chóng quay đầu bán ròng mạnh trong 4 phiên còn lại. Luỹ kế sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.314 tỷ đồng trên toàn thị trường. Xét riêng từng sàn, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.289 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 44 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 19 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Giới phân tích nhận xét, tâm lý thị trường thận trọng trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng vượt 4,7% và chỉ số DXY tăng trở lại vùng đỉnh cũ trên 109 cho thấy những lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ chưa hạ nhiệt.
Đồng thời, số liệu kinh tế kém lạc quan của Trung Quốc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng giảm phát của nền kinh tế số 2 thế giới, với việc chỉ số CPI của Trung Quốc tháng 12/2024 chỉ tăng 0,1% và cả năm chỉ tăng 0,2%, thấp hơn nhiều mức mục tiêu 3% của Chính phủ.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc cũng giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ năm 2009, phản ảnh triển vọng kinh tế ảm đạm.
Trong nước, thị trường bước vào "vùng trũng thông tin hỗ trợ" và việc nhiều nhà đầu tư nghỉ Tết sớm đã khiến dòng tiền suy yếu.
“Tuần qua, thị trường giao dịch tiêu cực khi lần lượt mất các mốc hỗ trợ quan trọng và xác nhận gãy mô hình 2 đỉnh ngắn hạn. Kèm theo đó, thị trường cũng đang dưới MA200 tuần; hỗ trợ gần nhất của thị trường quanh 1.220 – 1.218”, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, chuyên gia tư vấn Chứng khoán VietCap phân tích.
“Vợt hàng” tại 1.200 điểm?
Theo các chuyên gia, việc thanh khoản sụt giảm và áp lực bán mạnh xảy ra cho thấy dòng tiền đang dần rút ra khỏi thị trường trong ngắn hạn và VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm điểm theo quán tính trong các phiên tới.
Với tín hiệu giảm dưới vùng hỗ trợ, khả năng giảm điểm có thể sẽ còn tiếp diễn trong các phiên giao dịch tiếp theo. Diễn biến giảm giá hiện tại đã đưa thị trường vào vùng quá bán ngắn hạn, xác suất VN-Index về 1.200 điểm cần được tính đến.
Do đó, nhà đầu tư cần chậm lại để quan sát diễn biến cung cầu và lưu ý rủi ro thị trường đang có chiều hướng gia tăng. Tạm thời nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro hoặc cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua ngắn hạn nếu thị trường ghi nhận tín hiệu hỗ trợ tốt từ dòng tiền, ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến khởi sắc từ vùng hỗ trợ hoặc đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh.
“Nhà đầu tư nên chủ động cơ cấu danh mục, đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn từ 20-30% và kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu tạo đáy cân bằng rõ ràng hơn”, Chứng khoán VCBS khuyến nghị.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta nhận xét, tuần qua, nhà đầu tư đã trải qua nhiều phiên giao dịch rất áp lực và chịu những khoản thua lỗ. Với tình hình hiện tại của thị trường, khả năng rất cao VN-Index sẽ quay về vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm, do đó nhà đầu tư cần tăng tỷ trọng tiền mặt thời điểm này, quản trị rủi ro và sẵn sàng cắt những khoản đầu tư thua lỗ và tái đầu tư vào những thời điểm tốt hơn để có thể thu được lợi nhuận đáng kể nhất cũng như là điểm hoà vốn thuận lợi hơn.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Phú Hưng cho rằng khả năng VN-Index điều chỉnh về mức 1.200 điểm là có thể.
Dù vậy, bà Liên cho biết một số chỉ báo kỹ thuật đang tiếp cận khu vực “quá bán”, điều này đóng vai trò hỗ trợ và giúp xuất hiện các nhịp phục hồi ngắn. Giao dịch ở khung tuần chưa thật sự lớn để gây áp lực, nhà đầu tư nên tránh tâm lý hoản loạn.
“Kịch bản tích cực là lực cầu bắt đáy tham gia sớm hơn chứ không chờ đến 1.200 và giúp thị trường cân bằng, có thể chú ý vùng 1.200-1.220”, bà Liên nhấn mạnh.
Tích cực hơn, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS nhận định, dữ liệu vĩ mô đang cho thấy triển vọng kinh tế 2025 khả quan, thị trường chứng khoán có những bước tiến mới và nhiều động lực tăng trưởng vượt qua khu vực điểm cao 1.300 – 1.400 điểm.
"Rất có thể khởi đầu năm yếu, chậm chạp lại có thể là chuẩn bị cho một xu hướng tăng điểm mạnh mới trong giai đoạn sắp tới, bởi mọi nhà đầu tư đang chờ đón sự phục hồi và khi dòng tiền lớn tham gia, sự quan tâm lớn tới chứng khoán sẽ lại gia tăng, thanh khoản sớm tăng cao trở lại", chuyên gia VPS nhấn mạnh.
Hải Giang