Theo Fiinpro, tính đến ngày 7/2, có 424/773 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE và HNX công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021.
Trở lại vai trò trụ đỡ
Số liệu cho thấy, lợi nhuận trong quý IV nhìn chung có sự hồi phục mạnh mẽ trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài trong quý III (tăng 15,5% theo quý); tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 15/18 ngành có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với quý trước.
Dòng tiền đang có xu hướng dần dịch chuyển vào nhóm VN30 sau khi có hiện tượng rút dần ra nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. |
Có thể thấy, từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư cá nhân đang “lấn át” khi chiếm 87% giá trị giao dịch so với mức 72% giai đoạn trước dịch bệnh. Đây chính là yếu tố thúc đẩy định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ vượt định giá cả ngắn hạn và dài hạn. Song, các cổ phiếu này lại có kết quả kinh doanh quý IV/2021 “không đẹp” như kỳ vọng, dẫn đến sự điều chỉnh nhanh chóng sau đó.
Nếu như thời điểm trước, thị trường sôi động, liên tục chinh phục những đỉnh cao mới từ những góp sức chính của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Nhưng những phiên gần đây sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, dòng tiền đang có xu hướng dần dịch chuyển và cổ phiếu nhóm VN30 quay trở lại là trụ đỡ chính của thị trường, đưa VN-Index tái chinh phục mốc 1.500 điểm.
Cụ thể, các cổ phiếu ngân hàng duy trì tín hiệu tích cực ở tháng trước đã đóng góp nhiều mã giúp nâng đỡ thị trường hồi phục tốt từ vùng đáy, như BID, VCB, MBB, CTG, TCB, STB. Đáng chú ý, “ông lớn” HPG của Thép Hòa Phát đã có màn trở lại đầy ấn tượng khi có 2 phiên tăng liên tiếp (8-9/2), trở thành cổ phiếu có tác động tích cực lên chỉ số VN-Index với mức thanh khoản tăng mạnh (26,5 triệu đơn vị), sau thời gian điều chỉnh sâu.
Lý giải về điều này, một số chuyên gia phân tích cho rằng, sau sự kiện như ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” cổ phiếu, hay như Tân Hoàng Minh bỏ cọc “đất vàng” Thủ Thiêm đã làm cho thị trường có sự điều chỉnh mạnh mẽ, tập trung ở nhóm các cổ phiếu có vốn hóa trung bình thấp trong tháng 1. Điều này đã làm cho thị trường trong sạch, lành mạnh hơn và nhiều nhà đầu tư thay đổi “khẩu vị”, tập trung dòng tiền vào các mã cổ phiếu có nền tảng tốt hơn. Và VN30 là nhóm đáp ứng đầy đủ yếu tố này khi có thời gian điều chỉnh giảm sâu trước đó và kết quả kinh doanh tốt, ổn định và thanh khoản cao. Do đó, việc dòng tiền dần dịch chuyển sang nhóm vốn hóa lớn là điều dễ hiểu.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù vẫn bán ròng trên HoSE với giá trị gần 3 nghìn tỷ đồng trong tháng, song chủ yếu chỉ bị chi phối bởi giá trị bán ròng 5,2 nghìn tỷ đồng cổ phiếu MSN qua kênh thỏa thuận. Qua kênh khớp lệnh, khối ngoại đã mua ròng trở lại khoảng 2 nghìn tỷ đồng trên sàn này. Trong đó, VHM là mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị gần 1,3 nghìn tỷ đồng. Các mã ngân hàng cũng thu hút dòng tiền khối ngoại bao gồm STB, CTG, LPB.
Dòng tiền trở nên "khắt khe"
Nhận định về dòng tiền trong thời gian tới, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc công ty quản lý Quỹ SGI (SGI Capital) cho rằng, tiền sẽ không còn “dễ tính” như trước nữa, thay vào đó sẽ chọn lựa “khắt khe”. Vì vậy, nhà đầu tư đòi hỏi phải có kinh nghiệm, chất xám, thời điểm cũng như loại hình, chất lượng tài sản để xuống tiền.
Theo công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021, thị trường trở nên khá thận trọng. Điều này được thể hiện trong việc thanh khoản chưa cao, chỉ duy trì mức dưới 30.000 tỷ đồng/phiên. Thời gian tới, dòng tiền đầu tư có thể sẽ phân hóa và đa dạng ở các nhóm ngành và cổ phiếu. Do đó, việc nhà đầu tư luân chuyển dòng tiền vào nhóm VN30 là khá phù hợp khi nội tại các doanh nghiệp tốt và có thanh khoản cao.
Chẳng hạn, trong nhóm VN30, sự chững lại của nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 đã phản ánh sự tăng trưởng chậm lại, đạt 12% so với mức tăng trưởng 55% nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, kỳ vọng hoạt động của các ngân hàng quốc doanh sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện như chia cổ tức và phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân được cho là có những tin tức tích cực và tăng trưởng vượt bậc trong quý II và II/2022.
Hay như nhóm cổ phiếu thép cũng đã có mức điều chỉnh đáng kể và phản ánh kết quả kinh doanh quý IV tăng trưởng chậm lại khi giá thép có diễn biến không thuận lợi. Song, VDSC cho rằng dòng tiền vào nhóm này có thể cải thiện trong thời gian tới khi triển vọng năm 2022 được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong sản lượng bán hàng nội địa.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 7/2 của SSI Research, nhóm 24 công ty thuộc rổ VN30 đã công bố lợi nhuận tăng trưởng ở mức 4,5%. Mặc dù khiêm tốn nhưng đây là mức tăng trưởng khá sát với dự đoán. Bước sang năm 2022, mức tăng trưởng dự kiến sẽ cao hơn trước nhưng nửa đầu năm và nửa cuối năm có thể có sự chênh lệch đáng kể, với hầu hết tăng trưởng dự kiến sẽ được phản ánh vào nửa cuối năm.
Ngoài ra, việc cắt giảm thuế VAT từ ngày 1/2 sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bên cạnh khả năng mở cửa lại đường bay quốc tế, do vậy lợi nhuận sắp tới của các công ty sẽ là một biến số được mong đợi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự phân hóa về lợi nhuận giữa các nhóm ngành ngay trong quý I/2022.
“Định giá P/E của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và qua đó kích hoạt xu hướng giải ngân đầu năm của các quỹ ngoại, và đây có thể là yếu tố nâng đỡ thị trường trong giai đoạn hiện tại. Do đó, nhóm VN30 hứa hẹn sẽ là nơi dòng tiền trú ngụ”, báo cáo của SSI Research nêu.
Hải Giang