VN-Index chính thức vượt ngưỡng cản tâm lý 1.500 điểm. (Ảnh minh họa) |
Toàn thị trường có tổng cộng 621 mã tăng giá, 383 mã giảm giá và 159 mã giao dịch tại mức tham chiếu.
Trong phiên giao dịch ngày 8/2, thị trường chịu áp lực điều chỉnh mạnh với lệnh bán chốt lời tại tất cả các nhóm ngành, từ ngân hàng, chứng khoán, thép, dệt may, thủy sản, dầu khí cho đến bất động sản.
Đặc biệt, sau thông tin các công ty đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền dù đã hết hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản chuyển biến xấu đi. Nhóm cổ phiếu bất động sản đầu cơ bị bán ra dữ dội, nhiều mã rơi vào tình trạng dư bán sàn với số lượng lớn như: CII, DIG, NHA, NBB, DRH... kéo theo nhóm cổ phiếu xây dựng cũng bị tác động tiêu cực như HBC, HTN, FCN.
Tuy nhiên, sự trở lại của nhóm cổ phiếu “vua” trong những phút cuối của phiên gồm ACB, VPB, TCB, STB, TPB, HDB, CTG đã giúp cho VN-Index giữ được sắc xanh.
Bên cạnh đó, VN-Index còn nhận được sự đóng góp của nhiều mã trong nhóm VN30 như HPG, FPT, SAB, GVR, MWG, VJC, PLX, POW.
“Thăng hoa” nhất chính là cổ phiếu ngành thép khi đồng loạt các mã quan trọng như HSG, NKG, POM, TLH, SMC đều kết phiên trong sắc tím. Riêng mã vốn hóa lớn nhất HPG cũng tăng 5,8% để trở thành cổ phiếu có tác động tích cực nhất lên chỉ số.
Một nhóm khác cũng có diễn biến khả quan là cổ phiếu thủy sản. Các mã CMX, ANV, VHC và IDI đều tăng hết biên độ, một số mã khác cũng tăng 3-10%.
Ở chiều ngược lại, bộ đôi cổ phiếu VIC giảm tiếp 4,3% và VHM giảm 1,2% là các mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi làm mất gần 5 điểm vào chỉ số. Riêng cổ phiếu VIC trong 2 ngày đầu năm đã khiến tài khoản nhà đầu tư mất 10% giá trị.
Đáng chú ý, thanh khoản khớp lệnh được cải thiện so với phiên trước với tổng giá trị tăng hơn 20% so với phiên trước, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 23% lên mức 21.110 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ra số cổ phiếu có trị giá 1.689 tỷ và mua vào chỉ 1.340 tỷ đồng, tương ứng với giá trị bán ròng 349 tỷ đồng ở sàn HoSE, trong đó chủ yếu tiếp tục xả ròng cổ phiếu VIC với 290 tỷ đồng.
C.Giang