Từ mức thanh khoản hơn 30.000 tỷ đồng/phiên trong quý I/2022, giá trị giao dịch trên HoSE kể từ đầu tháng 3/2023 tới nay giảm xuống dưới 8.000 tỷ đồng/phiên. Trong đó, có phiên chỉ đạt hơn 6.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Thậm chí, trong những phiên bùng nổ về điểm số sau những thông tin tích cực những thanh khoản vẫn khá ảm đạm, không tương đồng.
Tiền rẻ khó quay trở lại
Các chuyên gia chỉ ra, thanh khoản sụt giảm đến từ nhiều yếu tố, đặc biệt là do mối lo ngại liên quan đến nhóm doanh nghiệp bất động sản, dù Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành mang tới kỳ vọng vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, phần lớn nhà đầu tư “kẹp hàng” và nếu nắm giữ tiền mặt vẫn đang quan sát thị trường, khiến thanh khoản “èo uột”.
Các chuyên gia nhận xét, thời kỳ tiền rẻ khó quay trở lại, mang tới dự báo TTCK sẽ vẫn có nguy cơ gặp khó khi mà tiền vẫn “đắt”. |
Ngoài ra, việc quỹ ngoại Fubon ETF có khả năng sẽ tạm dừng mua ròng mạnh vào khoảng cuối tháng 3 này cũng là nguyên nhân tác động tâm lý mua vào của nhà đầu tư bởi trong khoảng 3 tuần qua, khối ngoại mua ròng mạnh chủ yếu là nhờ quỹ ngoại này và Van Eck. Chưa kể, hiện chưa nhận thấy có thêm dòng tiền của các quỹ ETF khác chảy vào thị trường, trong khi đó dòng tiền khối ngoại trong giai đoạn cuối năm 2022 tới nay cũng tham gia khá mạnh mẽ, khiến áp lực bán từ nhóm này có thể gia tăng trong các tháng sắp tới.
Trong khi đó, việc công bố báo cáo tài chính quý I/2023 dự báo kém khả quan, phần lớn doanh nghiệp dự kiến không bằng cùng kỳ năm ngoái có thể khiến P/E VN-Index tăng mạnh và tạo áp lực rút ròng từ khối ngoại.
“Động lực hỗ trợ thanh khoản thị trường trong giai đoạn sắp tới sẽ khó khăn hơn”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho biết.
Mặt khác, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam hiện tại dù giảm so với đầu năm 2023 nhưng vẫn đang ở mức cao trong vài năm qua. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các biến động vĩ mô trong nước và trên thế giới dẫn đến hoạt động giao dịch cầm chừng.
Có thể thấy, trong môi trường lãi suất cao kéo dài, hệ thống ngân hàng phương Tây có nguy cơ tiếp tục suy yếu, từ đó gây ra hiệu ứng domino và dẫn đến suy thoái kinh tế.
“Việc điều hành chính sách tiền tệ của Fed khiến lãi suất điều hành có thể duy trì mức cao trong cả năm 2023. Đặc biệt, NHNN Việt Nam chưa thể mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước nếu Fed còn tiếp tục tăng lãi suất”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ thị trường (sử dụng dữ liệu giao dịch tín phiếu), Fed nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 7 và kết năm ở mức 3,75 - 4%/năm.
Dù vậy, ông Thành vẫn cho rằng, lãi suất sẽ không giảm về mức quá thấp. Thời kỳ tiền rẻ đã qua và rất khó trở lại và khó quay về mức thấp như thời điểm Covid-19.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích tại Chứng khoán Nhất Việt đánh giá, việc hạ lãi suất trong thời kỳ này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Dòng tiền sẽ không thể giữ ở vùng giá quá rẻ lâu như vào năm 2020 và 2021. Còn chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank nhận định, dù lãi suất đã giảm, song chưa thể về ngang với thời kỳ "tiền rẻ".
Kỳ vọng vào tháng 6 khởi sắc
Như vậy, dù nhận diện lãi suất sẽ tiếp tục "hạ nhiệt" nhưng các chuyên gia nhận xét, thời kỳ tiền rẻ khó quay trở lại, mang tới dự báo thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ vẫn có nguy cơ gặp khó khi mà tiền vẫn “đắt”.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực, chuyên gia của Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng vẫn có “cánh cửa hẹp” để tình hình tích cực hơn vào đầu tháng 6 năm nay. Theo đó, lạm phát đã hạ nhiệt, giảm từ 4,9% xuống còn 4,3% trong tháng 2. Lạm phát tháng 1 có thể đã đạt đỉnh. Dự báo lạm phát tháng 3 sẽ tiếp tục giảm so với tháng 2. Tuy nhiên, lạm phát tháng 4-5 có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ.
Nếu những tháng tới, lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 4,5%, đây sẽ là yếu tố thuận lợi để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước có dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ. Xu hướng giảm lãi suất có thể thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một động thái tích cực hiện nay là NHNN đang liên tục mua vào dự trữ ngoại hối. Năm ngoái, thanh khoản ngân hàng gặp khó khăn khi NHNN phải bán 27 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhằm hỗ trợ tỷ giá USD/VND. Điều này tác động trực tiếp đến thanh khoản nền kinh tế và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
“Nếu xu hướng sắp tới VND tiếp tục ổn định, NHNN tăng ngoại tệ dự trữ lên và bơm VNĐ ra sẽ là cơ hội đổi hướng chính sách tiền tệ sang bớt thắt chặt, dù chúng ta vẫn cần thận trọng", ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.
Về chính sách tài khoá, điểm sáng là giải ngân đầu tư công 2023 sẽ rất tích cực mặc dù vẫn có quan ngại về tác động của tâm lý sợ rủi ro trong triển khai dự án ở khu vực công.
Với dự báo lãi suất giảm sẽ là lợi thế cho sự hồi phục của TTCK, ông Matthew Smith, CFA, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vẫn đưa ra lưu ý cần duy trì sự thận trọng khi vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro. Lạm phát đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Đồng USD tăng nếu Fed vẫn giữ chính sách thắt chặt.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị, nhà đầu tư nên quan sát kĩ thị trường ở vùng điểm từ 1.035 -1.040 điểm, nếu có được sự tích lũy tốt và dòng tiền gia tăng trở lại có thể cân nhắc giải ngân đối với các cổ phiếu cho tín hiệu tạo 2 đáy thuộc các nhóm ngành như dầu khí, chứng khoán, bất động sản.
Ngoài ra, cần giữ tâm lý phòng thủ tại thời điểm hiện tại và hạn chế giải ngân sớm khi chưa có dấu hiệu gia tăng dòng tiền một cách rõ ràng.
Tương tự, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect đưa ra lời khuyên, việc trading ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời, việc quản trị danh mục đầu tư vẫn nên được ưu tiên hàng đầu, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) ở giai đoạn hiện nay để kiểm soát rủi ro.
Hải Giang