Là đơn vị quản lý và vận hành các sân bay, nhưng doanh thu quý I/2018 của ACV chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.932 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại báo cáo mức lãi trước thuế đạt 1.192 tỷ đồng, tăng hơn 88% so với cùng kỳ nhờ vào việc cắt giảm các loại chi phí và tăng doanh thu tài chính.
Trong kỳ, ACV ghi nhận 930 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá; lợi nhuận sau thuế đạt 975 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.
Một cổ phiếu không rõ “chất”
Trên thị trường chứng khoán, tính đến phiên giao dịch ngày 23/5, cổ phiếu ACV đang giao dịch tại mốc giá 82.100 đồng/cp trên sàn UPCoM. Thanh khoản của cổ phiếu này trung bình đạt gần 50.000 đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.
Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ACV đã giảm 31% từ vùng giá 119.000 đồng/cp hồi đầu năm. Chỉ tính riêng quý I, cổ phiếu này cũng đã giảm gần 11%.
Trước đó, hồi tháng 8/2017, sau một thời gian dài im ắng, “con sóng” đầu tiên của cổ phiếu ACV đã bắt đầu xuất hiện với những phiên tăng điểm liên tiếp, thị giá đi lên từng ngày.
Khởi đầu từ phiên 17/8 ở mức 51.517 đồng/cp, thị giá ACV đã tăng 110,6% lên 108.500 đồng/cp tại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017 và tiếp tục tăng giá trong những ngày đầu tháng 1/2018.
Mặc dù giao dịch trồi sụt, nhưng so với mặt bằng chung, ACV vẫn đang được đánh giá là cổ phiếu đắt giá, khi gấp 2,5 lần thị giá cổ phiếu của “ông lớn” Vietnam Airlines.
Theo kế hoạch, ACV sẽ chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HoSE nhằm tiếp cận nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân hơn, nhưng đến nay vẫn chưa ấn định được thời gian.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho biết HĐQT vẫn kiên trì với chủ trương chuyển sàn, nhưng hiện vẫn có nhiều rào cản khiến ACV chưa đủ điều kiện.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, việc cổ đông nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ GTVT, đang nắm giữ tới 95,4% cổ phần của ACV, chính là rào cản lớn đối với cổ phiếu này.
Tại một doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phần nhà nước lớn, cơ quan đại diện vốn nhà nước thường áp đặt các quyết định về đầu tư, nhân sự, phân bổ lợi nhuận…
Do đó, diễn biến giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng phụ thuộc vào các quyết định của cổ đông có quyền chi phối, khó tạo ra những đợt “sóng” về giá. Nhóm cổ đông thiểu số sẽ khó “kiếm chác” tại những cổ phiếu như ACV.
Hơn nữa, về dài hạn, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là động lực dài hạn cho giá cổ phiếu. Tuy nhiên, rủi ro dài hạn chính ở cổ phiếu ACV là khả năng pha loãng khi đối mặt với nhu cầu vốn lớn cùng thời gian trả nợ dài cho các dự án phát triển mở rộng.
Hồi tháng 1/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại ACV giai đoạn 2012-2015.
Ngoài những sai phạm được chỉ ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, ACV đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong những công tác này.
Cổ đông Nhà nước đang sở hữu 95,4% vốn điều lệ của ACV |
Thoái vốn theo phương án nào?
Theo kế hoạch tới năm 2020, Tổng Công ty sẽ thoái 10,4% vốn. Ngay trong năm 2018 này, kế hoạch thoái vốn được đặt ra là 20% vốn điều lệ (tương đương hơn 4.300 tỷ đồng tính theo mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng). Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước sẽ giảm xuống còn 75,4% vốn điều lệ.
Tiến hành thoái 1 lần cả 30% vốn vào năm 2020 cùng là một phương án khác đang được ACV tính đến. Giá bán cổ phần được xác định theo nguyên tắc lựa chọn giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đến hết số lượng cổ phần thuộc vốn Nhà nước cần chuyển nhượng nhưng không thấp hơn giá khởi điểm. Đối tượng mua cổ phần là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Hiện cổ đông Nhà nước (đại diện là Bộ GTVT) sở hữu 2.076.943.011 cổ phần (tương đương 95,4% vốn điều lệ). Các cổ đông khác nắm 100.230.225 cổ phần (tương đương 4,6% vốn điều lệ).
Một trong những “rào cản” mà ACV liệt kê khiễn quá trình chuyển sàn bị chậm trễ là việc Cục thuế TP.HCM mới quyết toán thuế cho Tổng Công ty. Sau khi có được kết quả quyết toán này, thì Bộ GTVT mới có thể hoàn tất việc quyết quyết toán giá trị vốn cổ phần của ACV sau cổ phần hoá.
Một điều kiện quan trọng khác chính là cơ chế quản lý khu bay. Trước đây, kết cấu hạ tầng cảng hàng không được giao cho ACV.
Tuy nhiên, từ 1/4/2016, ACV đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hoá.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/4/2016, tài sản kết cấu hạ tầng khu bay (trừ sân đỗ đã đưa vào giá trị khi cổ phần hóa Tổng công ty ACV) trong hệ thống tài sản hạ tầng hàng không được bàn giao cho Bộ GTVT.
Ngoài ra, theo Nghị định 44/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 13/3/2018 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đã nêu rõ giao Bộ GTVT xây dựng phương án giao quản lý khu bay cho doanh nghiệp. Vì vậy, theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để có thể thông qua Đề án này ngay trong năm 2018.
HĐQT ACV cam kết sẽ tiến hành chuyển sàn ngay khi các điều kiện trên được hoàn tất.
Linh Đan