Theo thống kê sơ bộ, 15 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang có kế hoạch phát hành thêm tổng cộng gần 8,5 tỷ cổ phiếu. Dự báo, con số này có thể tăng hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Hàng tỷ cổ phiếu dự kiến sẽ được “bơm” ra thị trường
Mới nhất, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 sắp được tổ chức, HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10%, tương ứng công ty sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng.
Dự kiến gần 8,5 tỷ cổ phiếu sẽ được "bơm" ra thị trường chứng khoán. |
Tại nhóm tài chính (ngân hàng và chứng khoán), Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) đã chính thức thông qua phương án phát hành thêm hơn 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu phát hành thêm, để tăng vốn điều lệ lên gần 1.400 tỷ đồng.
Hai công ty chứng khoán là Vietcap (VCI), Chứng khoán FPT (FTS) cũng có tờ trình tăng vốn trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 sắp diễn ra bằng việc phát hành thêm cổ phiếu lần lượt là 280 triệu cổ phiếu và 91,33 triệu cổ phiếu mới.
Trước đó, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) thông báo sẽ triển khai phương án phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100%, tăng vốn gấp đôi lên 2.400 tỷ đồng. Công việc dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
"Bộ đôi" đầu ngành chứng khoán là Chứng khoán SSI (SSI) và VNDirect (VND) cũng có kế hoạch tăng vốn "khủng" thông qua thưởng cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, ESOP. Trong đó, SSI đã được cổ đông "bật đèn xanh" thông qua bằng văn bản cuối năm ngoái, còn kế hoạch của VNDirect đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.
Hai "ông lớn" ngành ngân hàng là Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) cũng đều dự kiến sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ của năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vietcombank dự kiến sẽ phát hành thêm 2,17 tỷ cổ phiếu, trong khi VietinBank sẽ phát hành 1,16 tỷ cổ phiếu mới.
Một số nhà băng cũng có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng vốn, có thể kể đến như: Ngân hàng Quốc Dân (NCB) thông báo sẽ tăng vốn tối đa 6.200 tỷ đồng dưới hình thức phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ; SaigonBank (SGB) trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% nhằm tăng vốn thêm 308 tỷ lên 3.388 tỷ đồng)…
Một số trường hợp khác đang triển khai có thể kể đến như HSC (HCM) phát hành 69 triệu cổ phiếu trả cổ tức và chào bán 228,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu. Còn lại, đa phần các kế hoạch đã được ĐHĐCĐ, HĐQT thông qua trước đó nhưng doanh nghiệp chưa triển khai và dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Cân đo lợi - hại
Có thể thấy, chia tách cổ phiếu, phát hành, tăng vốn là hoạt động chính đáng của mỗi doanh nghiệp. Chẳng hạn đối với nhóm tài chính, nhu cầu nâng cao năng lực về vốn là rất lớn. Các công ty chứng khoán cần liên tục tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động, chiếm thị phần, cải thiện năng lực cho vay ký quỹ (margin), hoặc thậm chí là tự doanh. Ngoài ra, còn cả câu chuyện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Còn với ngành ngân hàng, việc sở hữu vốn điều lệ lớn hơn sẽ cho phép tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống,... Nói cách khác, muốn tăng vốn như kỳ vọng, các nhà băng cần nâng cao hiệu quả hiệu quả hoạt động, tạo dựng thương hiệu ngày càng uy tín trên thị trường để hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.
Dù vậy, các hoạt động chia tách cổ phiếu, tăng vốn diễn ra phổ biến là một trong những nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu khó duy trì ở mức cao. Chưa kể, nhóm tài chính cũng mang nặng tính chu kỳ, việc duy trì đà tăng xuyên suốt trong thời gian dài là không đơn giản. Điều này khiến nhóm tài chính vắng bóng trong câu lạc bộ cổ phiếu có thị giá 3 chữ số trên sàn chứng khoán.
Nhìn chung, việc một lượng lớn cổ phiếu được "bơm" ra ít nhiều cũng sẽ gây áp lực lên thị trường. Giao dịch sôi động là một điểm tích cực nhưng điều đó cũng đồng nghĩa cổ phiếu cần dòng tiền lớn hơn trong mỗi nhịp sóng đi lên.
Thông thường, việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ gặp khó khăn do thị trường trầm lắng, giao dịch ảm đạm. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh năm nay, giới phân tích cho rằng dòng tiền sẽ dồi dào, nhất là trong môi trường lãi suất thấp. Do đó, việc thị trường gặp áp lực bởi hàng tỷ cổ phiếu sắp được “bơm” cũng khó xảy ra hơn.
Vậy, nhà đầu tư có nên “ôm” cổ phiếu để chờ nhận cổ tức? Theo chuyên gia, việc ôm cổ phiếu để nhận cổ tức hay không là do khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Thực tế, cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư sẽ có tác động 2 chiều lên diễn biến giá trên thị trường. Một mặt, nguồn cung tiềm năng gia tăng mạnh có thể gây áp lực đáng kể lên cổ phiếu, đặc biệt với khối lượng lớn như của HPG. Dù vậy, cần phải lưu ý rằng cổ phiếu về tài khoản không chắc sẽ được bơm ngay ra thị trường, nhất là với những trường hợp nhà đầu tư đang bị "kẹp" do giá giảm sâu.
Mặt khác, lượng cổ phiếu về tài khoản sẽ làm gia tăng sức mua cho nhà đầu tư do có thêm tài sản đảm bảo. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông có thêm đòn bẩy để đỡ giá trong trường hợp cổ phiếu tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi vay ký quỹ (margin), đặc biệt trong bối cảnh thị trường vẫn còn có nhiều biến động khó lường.
Hải Giang