VN-Index ghi nhận tuần giao dịch 4-8/3 nhiều biến động với áp lực chốt lời mạnh và thanh khoản đột biến trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, có nhiều cổ phiếu vẫn ngược dòng, đi lên mạnh mẽ nhờ "câu chuyện riêng".
Tăng tốc trước thềm đại hội
Trên sàn HoSE, cổ phiếu VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC sau thời gian lình xình bỗng "nổi sóng" với 3 phiên tăng kịch trần liên tiếp để leo lên 9.870 đồng/cp, tăng 26% sau một tuần giao dịch và là mức cao nhất trong 6 tháng qua. Thanh khoản của mã này tăng đột biến trong phiên cuối tuần với hơn 400.000 đơn vị khớp lệnh, trong khi bình quân trước đó chỉ vài nghìn đến chục nghìn.
Cổ phiếu VRC bứt phá trước thềm doanh nghiệp chốt ngày 27/3 là ngày đăng ký cuối cùng để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 nhằm thông qua loạt nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh năm 2024, tỷ lệ phân phối lợi nhuận, phương án chi trả thù lao HĐQT và lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) năm 2024. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) này còn thông qua việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đóng tàu và Dịch vụ Cảng Mỹ Xuân và chủ trương cho công ty con là CTCP ADEC chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư ADC tại TPHCM.
Nhờ "câu chuyện ĐHĐCĐ", nhiều cổ phiếu tăng tốc. (Hình minh họa) |
Trên UPCoM, "quán quân" tăng mạnh nhất tuần gọi tên ICF của CTCP Đầu tư Thương mại Thủy Sản khi tăng kịch trần cả tuần với mức tăng 92% lên 5.700 đồng/cp. Nhìn rộng hơn, cổ phiếu này đã tăng 2,3 lần kể từ cuối tháng 2/2024 đến nay. Mới đây, doanh nghiệp cũng thông báo ngày 29/3 là ngày đăng ký cuối cùng để tham gia họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau tăng bốc nhờ hiệu ứng quyết tâm nâng hạng thị trường của Chính phủ và hệ thống giao dịch KRX đang bắt đầu được test vận hành. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu này còn đang nóng lên với câu chuyện tăng vốn điều lệ được đánh giá là chủ đề hâm nóng lại các hội trường trong mùa ĐHĐCĐ sắp tới.
Thực tế, phát hành thêm cổ phiếu đang là câu chuyện chủ đạo của các công ty chứng khoán thời gian gần đây, dự kiến sẽ tiếp tục nhận được nhiều chất vấn của cổ đông trong các kỳ họp ĐHĐCĐ sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
Việc tăng vốn là cần thiết đối với các đơn vị môi giới chứng khoán, nhằm tăng tăng quy mô hoạt động, lấy thêm thị phần và quan trọng là có dư địa cho vay ký quỹ (margin) - cuộc đua mà nhiều doanh nghiệp đang dồn nguồn lực.
Chủ đề tăng vốn cũng dự kiến là một trong các vấn đề tâm điểm trong cuộc họp cổ đông của các ngân hàng sắp tới, bên cạnh các chủ đề về kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng và bán vốn cho nhà đầu tư...
Ngay trong những tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã công bố các kế hoạch tăng vốn điều lệ từ vài trăm đến hàng chục nghìn tỷ đồng và sẽ có sự thay đổi đáng kể về thứ hạng giữa các đơn vị. Hoạt động tăng vốn được kỳ vọng giúp làm dày thêm bộ đệm vốn và thu hút dòng tiền vào cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm đang nhận được sự quan tâm thu hút dòng tiền trong thời gian qua. Việc cổ phiếu của “Big 3” (BID của BIDV, CTG của Vietinbank, VCB của Vietcombank) đua nhau vượt đỉnh là minh chứng cho điều này.
Chuyên gia mách nước
Theo giới phân tích, tính từ vùng đáy 1.070-1.080 điểm, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 200 điểm trong 12 tuần giao dịch. Hiện, thị trường đang cạn biên độ tăng khi đi vào vùng kháng cự mạnh 1.280 - 1.290 - 1.315 điểm. Đây cũng là vùng đỉnh trung hạn đã tạo ra trong tháng 6-8/2023. Tại vùng này, dự kiến chỉ số sẽ có rung lắc mạnh và thị trường tiếp tục bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nên dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là thị trường đang bước vào mùa ĐHĐCĐ với nhiều thông tin được nhà đầu tư quan tâm.
“Bước vào giai đoạn mùa ĐHĐCĐ, nhà đầu tư đang rất quan tâm đến nhóm cổ phiếu nào sẽ tạo sóng trên thị trường để có thể đầu tư "ăn theo" thông tin mùa đại hội năm nay. Một trong số các thông tin thường được các nhà đầu tư quan tâm khi mùa ĐHĐCĐ đến gần đó là việc phát hành cổ phiếu tăng vốn”, một chuyên gia nhận xét.
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn cho vay trong trung và dài hạn cũng như thị trường chứng khoán đang có những diễn biến khởi sắc hơn trong 3 tháng đầu năm, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán được kỳ vọng sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý cũng như dòng tiền của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, có thể thấy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản và xuất khẩu đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đà tăng mạnh của lãi suất trong giai đoạn trước. Việc đặt ra kế hoạch tăng trưởng trở lại trong năm nay được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực và thúc đẩy đà tăng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này.
Riêng với nhóm chứng khoán, theo các chuyên gia, cổ phiếu ngành chứng khoán đã tăng vượt trội hơn chỉ số thị trường khi nhiều mã cổ phiếu chứng khoán đã tăng trưởng hơn 50%.
Đáng chú ý, sự tăng mạnh đầu tiên đến từ cố phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như VIX, BSI, FTS, với mức tăng lần lượt là 208,7%, 231,5% và 183,9% tính đến tháng 1/2024 so với đầu năm 2023. Điều này phản ánh sự sẵn sàng để đầu cơ của nhà đầu tư trong ngắn hạn khi thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn tích lũy.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VnDirect cho rằng định giá dài hạn của ngành chứng khoán không còn rẻ, nhưng vẫn phù hợp cho ngắn và trung hạn do triển vọng dài hạn đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Về chiến lược đầu tư, nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì quan điểm ngắn và trung hạn với các cổ phiếu trong ngành này. Các cổ phiếu tiềm năng là những cổ phiếu có định giá hợp lý, được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan và thường xuyên được các nhà đầu tư ngoại ưa chuộng.
“Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành, có kết quả kinh doanh khả quan sẽ có cơ hội tốt hơn trong năm 2024 bởi kết quả kinh doanh khả quan hoặc tốt hơn kỳ vọng; triển vọng tăng giá tốt hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi giá cổ phiếu chưa tăng nhiều trong năm ngoái”, VnDirect kỳ vọng.
Hải Giang