Cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành) vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) “nâng hạng” từ diện kiểm soát đặc biệt sang diện cảnh báo từ 19/4/2018.
Khoản vốn tăng thêm 700 tỷ đồng và tái cơ cấu nợ vay đã giúp Gỗ Trường Thành nâng cao khả năng tự chủ về vốn, lợi nhuận công ty đã dương trở lại và ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt.
Phản ứng tức thời
Cổ phiếu TTF bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ 9/8/2016 và chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Thậm chí, có thời điểm cổ phiếu này có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, nếu Báo cáo tài chính năm 2017 của TTF có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.
Trong hơn một năm qua, cổ phiếu TTF luôn trong tình trạng “bi đát” do bị hạn chế giao dịch. “Phao cứu sinh” duy nhất của TTF trong thời gian qua là phát hành thành công 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thu về 700 tỷ đồng, phần nào giải quyết được mối lo về lỗ vượt vốn.
Cổ phiếu đã có diễn biến tích cực hơn, nhích về vùng giá 7.000 – 8.000 đồng/cp, sau khi tụt về mức 4.000 – 5.000 đồng/cp từ mốc giá hơn 40.000 đồng/cp hồi giữa năm 2016.
Sau thông tin được HoSE đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt từ 19/4, cổ phiếu TTF ngay lập tức tăng trần lên 5.680 đồng/cp, với lượng giao dịch đột biến lên tới hơn 1,2 triệu đơn vị.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho cổ phiếu TTF, các cổ đông cũng có thể hy vọng về tình thế tốt hơn với “ông lớn” ngành gỗ này. Mới đây, CTCP SAM Holdings (mã: SAM) vừa có thông báo về việc bán thành công 13,33 triệu cổ phiếu TTF, giảm lượng sở hữu xuống còn hơn 7,47 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 3,48% và không còn là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành.
Diễn biến này khiến nhà đầu tư liên tưởng đến một cổ phiếu có diễn biến tương tự như TTF là JVC của CTCP Y tế Việt Nhật.
Kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc cùng với thông tin được ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt từ 15/12/2017 đã giúp cổ phiếu JVC ngoi từ vùng đáy 2.790 đồng/cp (22/6) lên vùng giá hơn 5.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch cũng được cải thiện mạnh, từ mức bình quân xấp xỉ 230.000 cp/phiên lên mức hơn 1 triệu đơn vị/phiên.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích chứng khoán, trường hợp của JVC hay TTF chỉ là phản ứng tức thời của cổ phiếu trước thông tin tốt, do đó tính bền vững sẽ không cao.
Và không phải trường hợp nào cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát, bị cảnh báo cũng có thể khắc phục được, để trở lại giao dịch bình thường. Đa phần các cổ phiếu diện này vẫn quanh quẩn ở mức giá “trà đá” và không biết bao giờ lên nổi mệnh giá.
Thực tế, niềm vui của các cổ đông JVC chỉ kéo dài từ giữa tháng 12/2017 đến đầu tháng 1/2018, sau đó là tiếp diễn tình trạng giao dịch trồi sụt với phiên giảm nhiều hơn phiên tăng.
Hiện, cổ phiếu này giao dịch tại mức giá 4.250 đồng/cp (phiên 18/4), khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt 363.1800 đơn vị/phiên.
Sau thông tin được HoSE đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt từ 19/4, cổ phiếu TTF ngay lập tức tăng trần lên 5.680 đồng/cp, với lượng giao dịch đột biến lên tới hơn 1,2 triệu đơn vị |
Sự phục hồi của “người ốm dậy”
Sau giai đoạn phát triển đỉnh cao, TTF lâm vào khủng hoảng từ năm 2013. Khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn hậu suy thoái cũng là thời điểm TTF lộ ra những kẽ hở về quản trị và quản lý tài chính.
Năm 2016, nợ phải trả của công ty chiếm 96,32% vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế chiếm 3,68% tổng nguồn vốn, khả năng thanh toán thấp cũng như tỷ suất lợi nhuận âm.
Thế nhưng, tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, doanh thu thuần công ty ghi nhận con số 1.364 tỷ đồng, đáng lưu ý đã vượt kế hoạch 7,62%.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm mạnh 91%, tương đương 26,4 tỷ đồng so với số liệu tự lập, còn 2,34 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch lợi nhuận này là do kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí giá vốn lên 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính – mà chủ yếu là chi phí lãi vay – được điều chỉnh giảm xấp xỉ 30 tỷ đồng. Khoản mục thu nhập khác bị điều chỉnh giảm gần 19 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận sau kiểm toán đã giảm đi đáng kể nhưng vẫn là số dương, điều này thể hiện sự nỗ lực của công ty, đưa Gỗ Trường Thành trở về giai đoạn ổn định.
Đáng chú ý, khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm mạnh từ 2.637 tỷ đồng xuống còn 396 tỷ đồng; mục người mua trả tiền trước ngắn hạn đã tăng mạnh từ 181 tỷ đồng lên 1.220 tỷ đồng.
Một điểm sáng trong bức tranh tài chính năm 2017 của TTF là khoản mục lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TTF tăng lên hơn 107 tỷ đồng, trong khi năm 2016 là âm gần 810 tỷ đồng.
Mới đây, Gỗ Trường Thành và công ty con cũng chuyển nhượng toàn bộ vốn 8,3 triệu cổ phần góp tại CTCP Phú Hữu Gia (PHG), tương đương tỷ lệ gần 42% vốn điều lệ của PHG.
Mặc dù vậy, quá khứ “đen” trên Báo cáo tài chính của TTF vẫn còn ám ảnh các nhà đầu tư, vì việc tái cơ cấu một doanh nghiệp vừa “ốm nặng” vẫn luôn cần nhiều thời gian để ổn định và “nâng cao thể trạng”.
“Liều thuốc bổ” là khả năng quản trị của nhà sáng lập U&I, cùng cam kết mạnh mẽ của Vingroup và Tân Liên Phát liệu có đưa Gỗ Trường Thành trở về với hào quang quá khứ hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Thùy Linh