Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ra thông báo lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK).
“Nút thắt” được tháo gỡ
Đáng chú ý, dự thảo thông tư mới bổ sung quy định về giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Ngoài ra, để tăng tính minh bạch trên TTCK và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin, dự thảo Thông tư bổ sung thêm ngôn ngữ công bố thông tin gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Nâng hạng thị trường và môi trường lãi suất thấp là yếu tố giúp kéo dòng vốn ngoại quay trở lại TTCK Việt Nam. |
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% giao dịch, và đây được coi là điểm nghẽn cần được gỡ bỏ trong tiến trình nâng hạng thị trường. Hiện nay, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Động thái của UBCKNN diễn ra trong bối cảnh khối ngoại gần đây mạnh tay bán ròng, kéo dài chuỗi ngày “xả hàng” trên TTCK Việt Nam. Tính từ đầu năm 2024, riêng dòng tiền rút ròng từ các quỹ ETF lên tới 4.951 tỷ đồng.
Có thể thấy, quyết tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý để khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết về việc nâng hạng thị trường và đưa hệ thống KRX vào vận hành càng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp từ các nhà đầu tư quốc tế đổ vào cho tới năm 2030.
Giới phân tích nhận định, nâng hạng thị trường sẽ tác động đến thanh khoản của TTCK, thanh khoản của cổ phiếu vốn hóa lớn khi các quỹ đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Maybank cho rằng một trong những lợi ích lớn nhất của việc nâng hạng chính là thu hút thêm dòng vốn ngoại. Bởi tỷ trọng giao dịch của khối ngoại hiện chỉ chiếm khoảng 10% - 15% toàn thị trường, trong khi con số này trước đây luôn là 30% - 40%.
"Để tạo sức hấp dẫn cho TTCK nhằm đáp ứng điều kiện nâng hạng, cần bổ sung thêm hàng hóa chất lượng là các doanh nghiệp ở những nhóm ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, sạch… góp phần thu hút vốn ngoại", ông Khánh nói.
Nhiều hơn yếu tố ủng hộ
Bên cạnh quyết tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý Việt Nam, động thái mới đây của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 5,25-5,5%, đồng thời nhấn mạnh khả năng giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 mang tới dự báo đồng USD yếu đi, có thể dẫn tới giảm sức ép tỷ giá VND, tác động tích cực tới nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại. Qua đó, tạo điều kiện để dòng tiền lớn quay trở lại.
“Việc FED bắt đầu lộ trình giảm lãi suất sẽ góp phần giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước cũng kích thích dòng tiền chảy vào chứng khoán”, bà Ngô Hương Thảo, chuyên gia tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp cũng tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp tái đầu tư, tiêu dùng nội địa được thúc đẩy, qua đó củng cố thêm bức tranh kết quả kinh doanh năm 2024. Lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn được dự báo có thể đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 20% - 25% so với cùng kỳ.
Đồng thời, mức nền tương đối thấp của những năm trước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để TTCK bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024.
"TTCK Việt Nam đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới thay vì xu hướng tích lũy như trước. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp sẽ thúc đẩy dòng tiền đầu tư vào thị trường nhiều hơn trong thời gian tới", ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá.
Cũng theo ông Tùng, nhà đầu tư ngoại và cụ thể là các tổ chức Đài Loan (Trung Quốc) dành sự quan tâm lớn cho TTCK Việt Nam, đang đẩy mạnh đầu tư và luôn tìm kiếm cơ hội mới. Điều này đồng nghĩa dòng vốn ngoại rót vào thị trường sẽ ngày càng tốt hơn.
Hiện tại, quỹ ETF lớn nhất thị trường là Fubon ETF với quy mô hơn 22.200 tỷ đồng đến từ Đài Loan. Trong bối cảnh khối ngoại nói chung mạnh tay bán ròng hàng nghìn tỷ, Fubon ETF vẫn đang trong xu hướng hút ròng, từ đầu năm 2024 đến nay đã hút ròng 380 tỷ đồng và toàn bộ giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.
Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, thị trường các quỹ ETF đang tiếp tục thu hút thêm các quỹ đầu tư mới cả trong và ngoài nước với số lượng tăng dần qua từng năm. Đặc biệt, trong trường hợp Việt Nam sớm được Tổ chức FTSE nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp vào 2024-2025, các quỹ ETF sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là dòng vốn từ các ETF ngoại tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE.
Trong kịch bản tích cực, BSC cho rằng trong năm 2024, dòng vốn ngoại sẽ tăng ròng 700 triệu USD với các yếu tố hỗ trợ: tình trạng chênh lệch lãi suất giữa USD-VND dần được thu hẹp khi FED bắt đầu thực hiện giảm lãi suất; tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp do FTSE đánh giá có các tín hiệu tích cực. Tổng vốn ngoại và dòng tiền vào ETF trong kịch bản tích cực là 1 tỷ USD.
Dự báo nhà đầu tư Thái Lan sẽ dần quay trở lại mua ròng ở các ETF chính (Diamond, E1) sau quy định áp dụng thuế mới có hiệu lực vào 1/1/2024, với ước tính giá trị vào ròng 300 triệu USD.
Bên cạnh đó là sự chuyển biến và thu hút được nhiều dòng vốn mới đối với các ETF nội mới niêm yết trên thị trường như: ETF tham chiếu theo chỉ số VN-Diamond, ETF FinSelect. ETF Fubon, FTSE, Vaneck được dự báo sẽ không có nhiều chuyển động lớn, sự kỳ vọng đối với các ETF ngoại đến từ các quỹ ETF mới khi vấn đề nâng hạng diễn biến tích cực hơn.
Hải Giang