Theo thống kê, khối ngoại bán và rút vốn khỏi thị trường Việt Nam khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, khối này đã bán ròng tổng cộng 22.818 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong 9 tháng liên tiếp (từ tháng 4 cho đến hết tháng 12) và chưa có dấu hiệu dừng lại mặc dù đã xuất hiện một số phiên mua ròng trở lại vào cuối tháng 12/2023.
Gần 1 tỷ USD “bốc hơi”
Tính chung cả năm 2023, khối ngoại tập trung bán cục bộ ở 3 mã EIB (Eximbank) với 5.400 tỷ đồng, VPB (VPBank): 3.400 tỷ đồng và MWG (Thế giới Di động): 3.000 tỷ đồng.
Khối ngoại bán và rút vốn khỏi thị trường Việt Nam khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023. |
Đặc biệt, khối ngoại tăng đáng kể quy mô bán ròng lên 10.000 tỷ đồng trong tháng 12 – tháng rút ròng mạnh nhất năm 2023, cao nhất ở nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính với cùng giá trị 2.600 tỷ đồng và duy trì bán ròng ở những nhóm trụ cột khác như bất động sản, thực phẩm đồ uống cùng bị bán ròng 1.600 tỷ đồng. Khối ngoại cũng hạ tỷ trọng ở nhóm tài nguyên cơ bản, khi bán ròng 991 tỷ đồng, sau giai đoạn tăng cường mua ròng từ đầu năm.
Trong đó, cổ phiếu VHM (Vinhomes) bị bán nhiều nhất với 1.200 tỷ đồng, HPG (Hòa Phát) bị bán ròng 979 tỷ đồng và chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND bị bán ròng 965 tỷ đồng. Mức độ ảnh hưởng của khối ngoại theo đó cũng tăng lên với tỷ trọng giao dịch đạt mức cao nhất từ tháng 4 là 9,86%.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), lực bán chủ yếu đến từ dòng vốn chủ động, còn ở nhóm ETF tương đối cân bằng hơn khi rút ròng 1.852 tỷ đồng, trong đó khối ngoại mua ròng (3.202 tỷ đồng) đối với các ETF ngoại và bán ròng mạnh 5.054 tỷ đồng đối với các ETF nội.
Kể từ tháng 10/2023 đến nay, các quỹ ETF chính đã bắt đầu mua ròng trở lại, tuy nhiên giá trị vẫn rất thấp so với giai đoạn quý IV/2022. Nhìn chung, các quỹ ETF đã rút ròng 8/12 tháng trong năm 2023 với tổng giá trị bán 94,86 triệu USD, trong đó ETF ngoại có 3 ETF chính duy trì được trạng thái mua ròng gồm Fubon (+19,51 triệu USD), VNM (+130,56 triệu USD), FTSE (+53,39 triệu USD), đối với ETF VNM có sự tăng ròng mạnh khi chuyển đổi bộ chỉ số tham chiếu sang 100% cổ phiếu Việt Nam vào quý I/2023. Ở chiều ngược lại, Quỹ ETF Kim rút ròng 43,7 triệu USD.
Còn với ETF nội có 3 ETF chính bị rút ròng mạnh trong năm 2023 là Diamond (-123 triệu USD), E1 (-58 triệu USD) và Finlead (- 62 triệu USD).
Đà rút ròng tại các ETF này chưa có dấu hiệu dừng lại, một phần nguyên nhân đến từ áp lực rút ròng của các nhà đầu tư Thái Lan do quy định mới về đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của chính phủ mới ban hành.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 9/2023, các nhà đầu tư Thái Lan đã hoạt động tích cực trở lại khi số lượng chứng chỉ lưu ký (DR) đã ghi nhận mức tăng ròng đối với cả 2 ETF nội (FUEVFVND và E1VFVN30).
Trong năm 2023, đà rút ròng của khối ngoại không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra tương tự ở các quốc gia trong khu vực; trong đó, áp lực rút ròng của khu vực Đông Nam Á diễn ra khi lãi suất ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ đã duy trì mặt bằng cao và trong một thời gian dài hơn, dẫn tới dòng vốn có xu hướng quay trở lại các nước phát triển và rút khỏi các nước cận biên và mới nổi.
“Việc bán ròng của khối ngoại nhìn chung không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều ở thị trường khác của châu Á như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) thông tin.
Kỳ vọng về sự trở lại
Tuy nhiên, bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng việc rút vốn chỉ là hành động cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ, di chuyển sang các thị trường có xu hướng tăng trưởng (Mỹ, EU, Nhật Bản… ).
“Việc tái cấu trúc danh mục này là hoàn toàn bình thường”, bà Lan Anh đánh giá.
Cũng theo chuyên gia của Mirae Asset, bước sang năm 2024, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lộ trình giảm lãi suất, Việt Nam với sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực hơn, thị giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thấp so với định giá, dự kiến khối ngoại sẽ sớm quay trở lại. Tất nhiên, ổn định tỷ giá là điều kiện cần đối với các định chế nước ngoài.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi” vào nửa cuối năm 2025. "Theo đó, chúng ta có quyền kỳ vọng, trước khi thị trường được nâng hạng, dòng vốn lớn từ các định chế tài chính trên thế giới sẽ chảy vào mạnh mẽ nhằm đón đầu cơ hội, như đã từng diễn ra ở các thị trường trong khu vực trước đây", bà Lan Anh nhấn mạnh.
Tương tự, nhiều ý kiến khác cũng chung quan điểm áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không đáng ngại và dòng tiền sẽ gia tăng giải ngân trên thị trường chứng khoán năm 2024 nhằm đón đầu làn sóng “nâng hạng” thị trường kể từ cuối quý I/2024.
“Việc triển khai hệ thống giao dịch KRX mới trong quý I sẽ giúp giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, có thể giúp Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi bởi FTSE-Russell vào khoảng cuối năm 2024”, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital nêu.
Trong kịch bản tích cực, BSC nhận định dòng vốn ngoại sẽ tăng ròng 700 triệu USD với các yếu tố hỗ trợ như chênh lệch lãi suất giữa USD và VND dần được thu hẹp khi Fed bắt đầu thực hiện giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp do FTSE đánh giá có các tín hiệu tích cực và nhà đầu tư Thái Lan dần hoạt động tích cực trở lại sau khi quy định thuế mới có hiệu lực vào 1/1/2024. Khi đó, khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng, dòng vốn có thể hướng đến các cổ phiếu có vốn hóa lớn, còn “room ngoại”, đáp ứng tiêu chí thanh khoản, tỷ lệ free-float - sự chuẩn bị đón đầu khi thị trường được nâng hạng.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng đưa ra lưu ý về việc khối ngoại có thể sẽ bán ròng 200 triệu USD khi kết thúc năm 2024 khi các yếu tố trên không diễn ra thuận lợi.
Hải Giang