Tuần qua (16-20/12), chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến rung lắc với biên độ khoảng 20 điểm. Kết tuần, VN-Index dừng tại mốc 1.257,5 điểm, giảm 5,07 điểm (-0,4%) so với tuần trước đó.
Trong 3 phiên đầu tuần, chỉ số chung tiếp tục vận động đi ngang tích lũy và không có điểm nhấn đáng chú ý.
Tích lũy cuối tuần
Tuy nhiên, vào phiên 19/12, chỉ số bất ngờ giảm điểm mạnh do ảnh hưởng từ tin tức vĩ mô và thị trường chứng khoán Mỹ. Điều tích cực là sau khi chịu áp lực điều chỉnh mạnh bất ngờ, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện giúp thị trường phần nào cân bằng tại ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán chỉ đang chờ nhịp, chuẩn bị cho một con "sóng" lớn, nhất là khi “hiệu ứng tháng Giêng” đang tới gần. |
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect nhìn nhận, dù VN-Index chỉ sụt giảm nhẹ 0,4% trong tuần vừa qua nhưng áp lực trong thực tế mà giới đầu tư chứng khoán phải trải qua lớn hơn nhiều so với con số khiêm tốn đó.
Trước hết, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra lộ trình giảm lãi suất thận trọng hơn trong năm tới đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, đẩy chỉ số đo lường mức độ sợ hãi (VIX) tăng vọt trong phiên 18/12 lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.
Thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh mạnh và việc dòng tiền tìm nơi trú ẩn khiến chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) tăng vọt vượt mốc 108. Những yếu tố này đã gây sức ép lên tỷ giá trong nước, khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vượt mốc can thiệp và buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán ra khoảng 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.
Diễn biến này khiến tâm lý của giới đầu tư chứng khoán trong nước chịu nhiều áp lực và buộc chỉ số lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm. Tuy nhiên, điểm tích cực là áp lực bán “không quá mạnh” và việc dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ trên.
Dưới góc độ kỹ thuật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết VN-Index kết phiên cuối tuần qua với nến xanh tăng điểm nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng ổn định cùng sự lan tỏa từ phía dòng tiền.
Ở khung đồ thị ngày, các chỉ báo cho thấy thị trường đang trong giai đoạn cân bằng tích lũy động lực và không có nhiều rủi ro điều chỉnh biên độ lớn.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo cho thấy nhịp hồi phục đang được củng cố quanh mốc hỗ trợ 1.258 điểm. Nếu dòng tiền và thanh khoản thể hiện được sự đồng thuận trong các phiên tiếp theo thì chỉ số chung sẽ sớm quay lại bám sát MA20 với động lực ổn định để tiến lên vùng 1.270-1.280 điểm.
“Thị trường đang trong nhịp tích lũy đi ngang và mốc 1.250 điểm là vùng hỗ trợ uy tín trong ngắn hạn”, VCBS đánh giá.
Kỳ vọng “hiệu ứng tháng Giêng”
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán chỉ đang chờ nhịp, chuẩn bị cho một con "sóng" lớn, nhất là khi “hiệu ứng tháng Giêng” đang tới gần.
Theo Chứng khoán KIS, hiệu ứng tháng Giêng là một hiện tượng nổi tiếng trên thị trường chứng khoán, mô tả xu hướng giá cổ phiếu thường tăng trong tháng 1 (tháng Giêng). Hiệu ứng này có thể được giải thích như sau: Trước tiên, các nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức) có xu hướng bán cổ phiếu vào cuối năm để hiện thực hóa lợi nhuận hoặc tận dụng ưu đãi thuế, sau đó quay lại thị trường vào tháng Giêng. Điều này tạo ra lực cầu lớn trong tháng Giêng và đẩy giá cổ phiếu tăng cao.
Bên cạnh đó, tâm lý tích cực khi bước sang năm mới cũng đóng vai trò quan trọng. Các nhà đầu tư kỳ vọng vào những cơ hội kinh doanh mới, các chính sách hỗ trợ kinh tế hoặc triển vọng kinh tế khả quan, từ đó sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn trong giai đoạn đầu năm. Một yếu tố khác cũng tạo nên hiệu ứng này là sự thay đổi trong cấu trúc danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư và tổ chức lớn. Sau khi đã cân đối danh mục vào cuối năm, các quỹ thường đẩy mạnh việc mua vào những cổ phiếu tiềm năng trong tháng Giêng, tạo hiệu ứng dây chuyền trên thị trường.
Trong báo cáo vừa phát hành, Bộ phận Nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS Research) cho rằng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất đang trên đà phục hồi. Theo đó, lợi nhuận cả năm 2024 có thể đạt mức tăng 18% so với cùng kỳ, so với mức giảm 4% của năm 2023, đánh dấu một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng bắt đầu.
“Dự kiến lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, đạt 25% so với cùng kỳ trong quý IV/2024, mức cao nhất kể từ quý II/2022”, báo cáo nêu.
Mặt khác, thị trường vừa đón nhận một vài thông tin tích cực hơn, bao gồm việc thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed là chỉ số PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) tháng 11 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ, đều thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo và cho thấy xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt.
Đồng thời, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa vào phút cuối cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất ổn, giúp chỉ số VIX hạ nhiệt đáng kể trong phiên cuối tuần.
“Kỳ vọng việc thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi”, ông Đinh Quang Hinh dự báo.
Dưới góc nhìn của ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm chiến lược thị trường Chứng khoán Dầu khí PSI, chỉ số VN-Index năm 2024 gần như đi ngang trong biên độ 1.200 – 1.300 điểm. Sang năm 2025 với các yếu tố cơ bản hỗ trợ, thị trường nhiều khả năng sẽ bước sang một chu kỳ tăng trưởng mới. Dòng tiền tuy vẫn sẽ có sự phân hóa nhưng cơ hội sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ vẫn tập trung tại ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Đầu tư công, Bán lẻ,…
Hải Giang