VN-Index nối mạch tăng điểm liên tiếp để lên mốc 1.150 điểm. Cùng với đó là những tín hiệu tích cực đang ủng hộ xu hướng tăng điểm cho thị trường, nhất là kỳ vọng về “hiệu ứng tháng Giêng” giúp nhà đầu tư có cái Tết no ấm.
Nhiều tín hiệu củng cố
Trong báo cáo triển vọng 2024, Chứng khoán FPTS nhìn nhận tính từ đầu năm 2023 đến nay, quy luật biến động của VN-Index đã ghi nhận đỉnh và đáy mới cao dần. Ngưỡng giới hạn đỉnh và đáy mới cho đến thời điểm hiện tại được xác định lần lượt tại các mức 1.245 và 1.028 điểm.
Nhà đầu tư đang rất kỳ vọng về "hiệu ứng tháng Giêng". |
Đặc trưng biến động này hàm ý kịch bản thị trường vẫn đang trong pha Bull Market (xu hướng tăng giá) của chu kỳ biến động. Trong đó, vùng hỗ trợ 1.000 - 1.020 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ biến động cũng như vai trò bảo toàn kịch bản thị trường và ngưỡng kháng cự 1.245 điểm là mục tiêu biến động trung hạn của VN-Index.
Hơn nữa, tính từ đầu tháng 6/2023 đến nay, diễn biến thanh khoản đã ghi nhận phục hồi đáng kể. Sức mua toàn thị trường tính theo tuần cũng đã đạt mức trung bình tương ứng khoảng 3,79 tỷ cổ phiếu/tuần, tương ứng với giai đoạn thị trường nửa đầu năm 2021 (đạt trung bình khoảng 3,5 tỷ cổ phiếu/tuần).
“Thị trường đang thực hiện giai đoạn "Shake-out" - biến động giằng co thường thấy trước giai đoạn thị trường Bull Market”, FPTS đánh giá.
Mặt khác, những con số thống kê những năm qua cho thấy thị trường thường giao dịch tích cực trong giai đoạn đầu năm mới đang phần nào ủng hộ xu hướng tăng điểm của thị trường trong quý I.
Theo dữ liệu thống kê từ năm 2011 tới nay, quý I thường là giai đoạn chỉ số VN-Index có biến động tích cực nhất trong năm với xác suất tăng điểm cao nhất lên tới gần 70%, vượt trội hơn hẳn so với quý II (54%), quý III (62%) và quý IV (46%).
Cụ thể, chỉ số VN-Index có tới 9 lần tăng điểm trong quý I, thậm chí có nhiều năm tăng mạnh như quý I/2012 (+ 25,45%), quý I/2013 (+18,69%), quý I/2014 (+17,23%), quý I/2018 (+19,33%),…
Trong quý I/2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tính chung VN-Index vẫn tăng 7,93%. Gần nhất, trong quý I/2023, VN-Index cũng hồi phục 5,7% sau những cú điều chỉnh mạnh cuối năm 2022.
Ngược chiều, trong 13 năm qua, chỉ có 4 lần VN-Index giảm điểm trong quý I: năm 2011, năm 2016, năm 2020 và năm 2022. Trong đó, quý I/2020, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm tới 31,06% bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cũng được ghi nhận là quý "tệ" nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thêm vào đó, trong quý I thì tháng 1 có số liệu thống kê tích cực nhất trong 13 năm qua với xác suất tăng điểm lên tới 70%. Đáng chú ý, những lần tăng điểm biên độ trên 10% xuất hiện khá dày đặc, trong khi những lần giảm điểm đều tương đối nhẹ nhàng. Giai đoạn 2020-2022, VN-Index đều giảm điểm trong tháng 1 nhưng biên độ chỉ dao động từ 1-4%. Nhưng đến tháng 1/2023, VN-Index tăng tới 10,3% giúp cho nhà đầu tư đều đạt lợi nhuận tốt khi nắm giữ cổ phiếu qua kỳ nghỉ lễ.
"Cần nhấn mạnh bối cảnh mỗi năm một khác và không thể dựa hoàn toàn vào số liệu quá khứ cho quyết định đầu tư. Tuy nhiên, dữ liệu tích cực trên cũng là yếu tố đáng để nhà đầu tư kỳ vọng", một chuyên gia nói.
Kỳ vọng cao
Theo quan sát của nhiều chuyên gia, thị trường thường đón nhận những đợt “sóng ăn Tết” trong tháng 1 hoặc tháng 2 dương lịch. Điều này được cho là có thể do tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư về những số liệu kinh tế hay kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường, đầu năm là thời điểm kết quả kinh doanh dần được hé lộ, do đó nếu mặt bằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện, các chuyên gia cho rằng hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể vượt các vùng đỉnh ngắn hạn và tiếp cận trở lại vùng đỉnh cũ của cả năm 2023.
Dù vậy, điều kiện đối với bối cảnh thị trường hiện tại là khối ngoại giảm bán ròng và dòng tiền lớn quay trở lại.
Thực tế, dòng tiền khối ngoại đang có xu hướng quay đầu mua ròng trở lại ngay từ những phiên cuối tháng 12/2023. Hơn nữa, việc lãi suất tại Mỹ sẽ hạ nhiệt dần sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác, từ đó dẫn tới dòng vốn ngoại có khả năng sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới.
Mặt khác, dòng tiền nội cũng đang có xu hướng quay trở lại, nhất là khi mặt bằng lãi suất đang thấp, thị trường vàng cũng bắt đầu có những tín hiệu hạ nhiệt sau đợt đầu cơ mạnh mẽ.
“Hiệu ứng tháng Giêng sẽ xuất hiện ở năm mới 2024, là dựa trên sự kỳ vọng dòng tiền tất toán trước năm tài chính cũ sẽ tái gia nhập trở lại, cũng như sự dịch chuyển dòng tiền từ các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối, tiết kiệm… sang chứng khoán”, ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên gia phân tích Chứng khoán Phú Hưng đánh giá.
Ông Sơn thông tin thêm, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiếp tục được kéo xuống thấp, cũng như các chính sách tài khóa được đẩy mạnh thực hiện, sẽ giúp sức cầu của nền kinh tế ổn định trở lại. Trong khi đó, kỳ vọng chu kỳ thay đổi chính sách của FED theo hướng bớt thắt chặt hơn cũng sẽ giúp cho tỷ giá của năm 2024 đỡ chịu áp lực hơn năm 2023. Từ đó mở rộng thêm không gian cho Ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tăng trưởng GDP.
Không những vậy, khi dựa trên nền so sánh thấp của quý I/2023 thì số liệu của quý I/2024 sẽ trở nên tích cực hơn, và với mặt bằng lãi suất thấp cùng với sức cầu ổn định trở lại thì nhóm nguyên vật liệu, nhóm sản xuất hàng hóa có thể sẽ là 2 nhóm có dấu hiệu khởi sắc.
Dưới góc nhìn của ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC, hiện tại, thị trường vừa khởi động hứng khởi từ vùng cận dưới, có thể thấy nhóm cổ phiếu trụ vẫn còn nhiều dư địa. Diễn biến ở thời điểm đầu năm có thể xuất hiện hưng phấn mạnh và chưa có lý do để VN-Index đảo chiều giảm mạnh ngay lập tức.
Chia sẻ về “hiệu ứng tháng Giêng”, chuyên gia DSC cho rằng yếu tố này vẫn luôn xuất hiện và xảy ra do chu kỳ tâm lý của nhà đầu tư. Nhìn chung, thị trường đang trong bối cảnh tốt để hưởng lợi từ hiệu ứng này, đặc biệt là khi mùa báo cáo tài chính quý IV đang tới gần với những kỳ vọng về kết quả kinh doanh đột biến.
“Con sóng tăng giá đầu năm mới có thể xảy ra ngắn, nhà đầu tư cần quan sát thị trường và lựa chọn nhóm cổ phiếu có khả năng thu hút dòng tiền cũng như bứt phá trong thời gian tới như bán lẻ hoặc theo dõi thêm diễn biến của nhóm bất động sản”, ông Đạt nêu.
Hải Giang