Như VnBusiness đã đưa tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có văn bản gửi HoSE, HNX, VSD về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX. Theo đó, UBCKNN yêu cầu HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp chuyển sàn mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Cơ chế này được áp dụng từ ngày 3/3/2021.
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong khi chờ hệ thống mới vận hành, việc chuyển một số công ty niêm yết trên HoSE sang HNX lúc này là hợp lý, cần thiết và có thể ít tốn kém nhất trong các phương án có thể triển khai.
Chưa có tiền lệ
Văn bản của UBCKNN lưu ý, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HoSE.
Đối với cổ phiếu chuyển sàn, các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin... áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. Hai sở giao dịch phối hợp trong công tác giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục trong công tác giám sát.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển niêm yết cổ phiếu trên HoSE sang HNX sẽ gây ra sự xáo trộn không đáng có. |
Ngoài ra, cổ phiếu của doanh nghiệp chuyển giao dịch đang nằm trong Vn-Index sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX; tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch đối với các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong bộ chỉ số VN30.
Theo ý kiến của một số nhà đầu tư, về bản chất, các mã cổ phiếu này giống như đi "ở nhờ" trên HNX trong thời gian chờ đợi hệ thống giao dịch của HoSE được nâng cấp, để phù hợp với thanh khoản thị trường đã tăng vọt lên 4 - 5 lần so với giai đoạn trước.
Hiện, hệ thống của HoSE chỉ xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên, và đã được đưa vào vận hành hơn 20 năm. Từ cuối năm 2020, khi thanh khoản thị trường tăng vọt lên trên 10.000 tỷ đồng/phiên, cộng với lượng tài khoản mới được mở tăng nhanh, hệ thống giao dịch của HoSE liên tục bị nghẽn. Bảng điện tử không hiển thị trạng thái giao dịch kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ tới giao dịch cũng như tâm lý đầu tư.
Hệ thống giao dịch mới đang được nghiên cứu và sớm nhất đưa vào vận hành cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Do đó, giải pháp tình thế hiện nay trong khi chờ hệ thống mới là "mượn tạm nhà" ở HNX cho một số cổ phiếu của HoSE.
Tuy nhiên, đây là việc chưa hề có tiền lệ từ trước tới nay và gây nhiều băn khoăn cho các doanh nghiệp và các công ty chứng khoán. Khi niêm yết trên sàn HoSE, các công ty đặt ra rất nhiều kỳ vọng, nhưng khi bị ép buộc chuyển qua sàn HNX, vô hình chung họ chấp nhận rằng cổ phiếu của công ty có giá trị thấp.
Bởi, niêm yết trên HoSE là những cổ phiếu đáp ứng chuẩn giao dịch cao hơn; trong khi các cổ phiếu nhỏ được niêm yết trên HNX và UPCoM.
Ai sẽ phải "chuyển nhà"?
Dù chưa có tiêu chí cụ thể về việc cổ phiếu nào sẽ phải “chuyển nhà”, nhưng nhiều ý kiến cho rằng những cổ phiếu mệnh giá thấp sẽ phải đến "nhà tạm". Tuy nhiên, việc chuyển sàn về lý đòi hỏi phải có sự đồng thuận của công ty niêm yết, vậy trường hợp doanh nghiệp không đồng ý sẽ ra sao?
Chưa kể, khi niêm yết trên HoSE, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Nay bị chuyển ngược thì ai sẽ bù đắp giá trị kỳ vọng? Và tiêu chí nào cho các cổ phiếu bị chuyển sàn để đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp?
Như vậy, quyết định này của cơ quan chức năng có hơi mang tính ép buộc?
Tại văn bản vừa ban hành của UBCKNN mới nhắc đến việc “doanh nghiệp có nguyện vọng”. Theo khảo sát tại một số doanh nghiệp niêm yết về câu hỏi liệu có tự nguyện chuyển niêm yết sang HNX, hầu hết đều tỏ ra ngần ngại vì sự xáo trộn, thiệt thòi không đáng có.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, lâu nay, việc niêm yết trên HoSE luôn là một sự kiện quan trọng đối với doanh nghiệp nhằm tăng cường tính minh bạch và thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông cũng như khẳng định nội lực và giá trị sẵn có của doanh nghiệp. Vì thế, nếu chuyển sàn sang HNX sẽ giống như việc bị “xuống hạng”, bởi tiêu chí hai sàn là khác nhau hoàn toàn.
Không chỉ gây ra sự xáo trộn cho doanh nghiệp, mà phương án này cũng có thể mang tới rắc rối cho các công ty chứng khoán khi phải chỉnh sửa hệ thống phần mềm giao dịch. Theo chia sẻ của một công ty chứng khoán thì "vừa mất thời gian và tốn một khoản chi phí không nhỏ".
Một vấn đề khác cũng được dư luận khá quan tâm là việc cần bao nhiêu mã mới đủ giảm tải cho HoSE, và liệu có chắc sẽ thay đổi được tình trạng giao dịch hiện nay?
Trong một văn bản cách đây không lâu, đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, tình trạng nghẽn lệnh, sập sàn của HoSE thực tế đã diễn ra từ tháng 5/2008 - 1/2018, nhưng thường xuyên từ cuối năm vừa qua đến nay là khá nghiêm trọng. Điều này cho thấy công tác quản trị, quản lý tại HoSE yếu kém.
“Phần mềm giao dịch tài chính không phải là vấn đề khó, nhưng 9-10 năm vẫn chưa xong. Tiền để sử dụng cho dự án cũng không thiếu. Vậy chỉ có thể nói rằng yếu kém do con người”, Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải khẳng định.
Minh Khuê