Hiện, trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ có quy mô khá khiêm tốn trong tổng vốn hóa thị trường. Ngoài những ông lớn như: FPT (CTCP Tập đoàn FPT), MWG (Thế giới Di động), CMG (CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC), ELC (CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông), DGW (Digiworl)… còn lại đều là các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ dưới 100 tỷ đồng.
Thực tế, nhu cầu vốn của những doanh nghiệp công nghệ là rất lớn, nhưng kênh gọi vốn hiệu quả trên sàn niêm yết lại gần như vắng bóng các doanh nghiệp của nhóm ngành này.
Nhóm ngành vượt trội
Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report về những ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong giai đoạn tới, công nghệ vẫn là ngành dẫn đầu trong kỳ vọng của các doanh nghiệp.
Trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018, đứng đầu Top 10 ngành có lợi nhuận trước thuế bình quân lớn nhất là ngành viễn thông, tin học, công nghệ. Tuy số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm 3,6%, đây vẫn luôn là ngành tiềm năng với các chỉ số lợi nhuận tăng trưởng ổn định.
Cũng theo khảo sát của Vietnam Report, trong giai đoạn 2018- 2019, khoảng 57% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đang đẩy mạnh quá trình đầu tư cho công nghệ, 37,1% doanh nghiệp hiện đang đầu tư từ từ, thay đổi từng bước và 8,6% vẫn trong quá trình chuẩn bị.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh của các công ty nhóm ngành này cũng hết sức khả quan với sự tăng trưởng đều đặn cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm.
Mới đây, FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 20.487 tỷ và 3.571 tỷ đồng, tương đương 94% và 102% kế hoạch cả năm.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế, công ty đạt 3-13 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.421 tỷ đồng, tăng 24% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.952 đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 17,4%, bằng 2,3 lần so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng năm 2018, Thế giới Di động cũng ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 72.275 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.413 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 36% doanh thu thuần và 33% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả này, Thế giới Di động đã thực hiện được 84% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.
CTCP Thế giới số (Digiworld), trong ba quý đầu năm 2018 doanh thu đạt mức 4.383 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 78 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 63% và 38% so với cùng kỳ.
Hiện nay, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với đó là làn sóng khởi nghiệp (startup ) đang nở rộ, khiến nhu cầu gọi vốn của những doanh nghiệp này rất lớn.
Các chuyên gia đánh giá nhóm ngành công nghệ là nhóm cổ phiếu được đánh giá ở mức khá an toàn, có tính ổn định cao, dư địa tiếp tục tăng trưởng trong tương lai còn rất lớn.
Ngoài ra, chỉ số P/E (giá cổ phiếu so với lợi nhuận) của cổ phiếu ngành này cũng chưa phải ở mức quá cao như: cổ phiếu FPT là 8,1; của CMG là 10,12…; vẫn thấp hơn mức P/E của thị trường chung khoảng hơn 16 lần và khá thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Số doanh nghiệp niêm yết trong ngành công nghệ còn rất ít |
Vị thế cổ phiếu
Trong khi hầu hết các công ty công nghệ đều đang ở đỉnh cao doanh thu và lợi nhuận cùng với tiềm năng tươi sáng của ngành thì thị giá cổ phiếu ngành này lại đang đi ngược lại với kỳ vọng.
Ngoài những “ông lớn” như FPT hay MWG, DGW, CMG, hầu hết các cổ phiếu ngành này đều giao dịch dưới mệnh giá, không thu hút được dòng tiền.
Có thể kể đến cổ phiếu ELC hiện đang giao dịch với mức giá 7.720 đồng/ cp, giảm 46,7% so với đầu năm, thanh khoản trung bình đạt khoảng vài chục nghìn đơn vị, trong khi CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông là một doanh nghiệp khá lớn với số vốn điều lệ đạt hơn 477 tỷ đồng.
Thậm chí, cổ phiếu ONE của CTCP Truyền thông số 1 duy trì giao dịch quanh mức giá 4.000 – 5.000 đồng/cp, thanh khoản trung bình chỉ đạt khoảng vài nghìn đơn vị; cổ phiếu VTC của CTCP Viễn thông VTC cũng đã giảm từ mức 11.000 đồng/cp hồi đầu năm xuống mức dưới mệnh giá hiện tại.
Cổ phiếu VIE của CTCP Công nghệ Viễn thông Viteco thậm chí còn giao dịch ở mức “hẻo” với những phiên không có thanh khoản chiếm áp đảo.
Một cái tên “đình đám” với dự án “Cho vay ngang hàng trên nền tảng Blockchain” là HVA vẫn duy trì mức giá “trà đá” hơn 3.000 đồng/cp với mức thanh khoản vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
Là một trong những cổ phiếu bluechip đầu ngành có lĩnh vực hoạt động rộng, quy mô vốn lớn, thời gian niêm yết lâu nhưng cổ phiếu FPT đang giao dịch theo xu hướng giảm tính từ đầu năm 2018 tới nay.
Hiện cổ phiếu FPT đang giao dịch tại mức 43.000 đồng/cp đã giảm 16,4% so với mức giá 51.440 đồng/cp (giá đã điều chỉnh). Thanh khoản cũng đang trên đà giảm sút khi những phiên giao dịch hàng triệu đơn vị dần dần vắng bóng, thậm chí có những phiên chỉ giao dịch với số lượng “khiêm tốn” dưới 300.000 đơn vị.
Lo ngại về chiến lược mở rộng ồ ạt và hoạt động phát hành cổ phiếu dồn dập của Thế giới Di động đã khiến cổ phiếu MWG giảm 14,6% so với đầu năm và liên tiếp bị khối ngoại bán ra.
Tuy nhiên, trong xu thế hiện đại, sự phát triển về công nghệ là nhu cầu tất yếu, cùng với sự ủng hộ từ Chính phủ, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một tương lai sẽ có nhiều gương mặt công nghệ đình đám trên thị trường chứng khoán.
Từ đây, sẽ mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho giới đầu tư, thay đổi tình hình “thiểu số” của những cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Linh Đan