Chỉ số Vn-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11 tại mức 970,39 điểm, thấp hơn khoảng gần 4% so với mốc trên 1.010 điểm hồi giữa tháng. Trong khi đó, lịch sử giao dịch tháng 12 cho thấy thời gian này thường có diễn biến kém thuận lợi.
Chu kỳ lịch sử
Thực tế, trong quá trình chinh phục và vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, hồi đầu tháng 11 vừa qua, chỉ số Vn- Index nhận được hỗ trợ rất lớn từ sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu ngân hàng và “họ” Vingroup. Trong đợt giảm điểm hiện nay của Vn-Index, hai nhóm cổ phiếu này cũng điều chỉnh.
Bên cạnh đó, trong một số phiên, khối ngoại tăng cường bán ròng khiến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) trở nên hoang mang, dù kết quả kinh doanh quý III/2019 của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản hàng đầu sàn HoSE vẫn khả quan.
Những yếu tố này khiến nhiều người liên tưởng đến bức tranh tháng 12 không mấy sáng sủa, bởi chỉ với 1 phiên giao dịch còn lại của tháng 11 thì “kỳ tích” khó có thể xảy ra.
Đáng chú ý, thống kê biến động của chỉ số Vn-Index trong tháng 12 từ năm 2009 tới nay có 6/10 năm kết thúc tháng giảm điểm. Nguyên nhân giao dịch kém tích cực giai đoạn này được cho là do dòng tiền có xu hướng nghỉ ngơi chờ đợi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm.
Ngoài yếu tố chu kỳ lịch sử, bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2019 cũng đang chịu nhiều sức ép từ biến động bất thường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, trong khi triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp có phần bấp bênh.
Trong tháng 12, kỳ cơ cấu danh mục của 2 chỉ số MVIS Vietnam Index và FTSE Vietnam Index, chỉ số cơ sở của 2 quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam ETF sẽ diễn ra. Với quy mô 2 quỹ ETFs lên tới hơn 750 triệu USD, hoạt động cơ cấu danh mục sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến thị trường.
Cụ thể, FTSE Vietnam Index sẽ thực hiện công bố danh mục vào chiều ngày 6/12, MVIS Vietnam Index công bố danh mục vào rạng sáng 14/12. Sau đó, 2 quỹ VNM ETF, FTSE Vietnam ETF sẽ hoàn tất cơ cấu danh mục vào ngày 20/12.
Thị trường khó chồng khó khi thị trường trái phiếu ngày càng trở nên hấp dẫn khiến dòng tiền đang dần rút khỏi TTCK. Trong khi đó, động thái hạ trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua được cho là không tác động nhiều trong ngắn hạn.
Thận trọng về triển vọng và lo ngại của các NĐT đang phản ánh vào giao dịch trên thị trường khi thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, TTCK trong tháng 12 vẫn có cơ sở để kỳ vọng vào một kịch bản phục hồi.
Thị trường chứng khoán tháng 12 vẫn có nhiều điểm tựa |
Những dấu hiệu khả quan
Khả năng hồi phục này đến từ những tin tức, lo ngại về chiến tranh thương mại, giá dầu, tỷ giá, lãi suất… đã được phản ánh hết vào thị trường trong thời gian qua và tình hình đang có những dấu hiệu khả quan hơn.
Có thể kể đến như thặng dư thương mại của Việt Nam đang đạt mức kỷ lục, cùng với dòng kiều hối, vốn FDI được duy trì ở mức tốt đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán của Việt Nam.
NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối lên gần 73 tỷ USD, tương đương 3,3 tháng nhập khẩu. Cán cân thanh toán cải thiện còn hỗ trợ cho việc ổn định của tỷ giá USD/ VND và chính sách tiền tệ linh hoạt, có phần nới lỏng của NHNN.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã kéo dài suốt 16 tháng qua khiến nền kinh tế toàn cầu “xộc xệch” ảnh hưởng đến dòng tiền từ TTCK. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định cuộc chiến này không dễ chấm dứt trong 2 – 3 năm, mà có thể kéo dài cả thập kỷ.
Một tín hiệu đáng mừng khác với TTCK, theo nhận định của SSI Research, là dòng vốn ngoại đang có dấu hiệu quay trở lại, nâng đỡ thị trường cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Để chứng minh điều này, SSI Research cho biết nhìn lại quá khứ, các đợt tăng mạnh của TTCK Việt Nam đều được hỗ trợ bởi dòng vốn từ các quỹ ETF.
Trong 2 tháng trở lại đây, dòng vốn đầu tư vào quỹ ETF ra vào đan xen nhưng hút ròng vẫn có phần nhỉnh hơn. Tuy nhiên, NĐT ngoại lại bán ròng khá lớn trên cả 3 sàn (1.583 tỷ đồng trong tháng 10 và 950 tỷ đồng từ đầu tháng 11). Đây phần nhiều là hoạt động tái cơ cấu của các quỹ đầu tư chủ động, từ đó tạo sức ép lên thị trường.
Với những diễn biến mới của dòng vốn toàn cầu trong thời gian gần đây và với giả định không có những biến động bất ngờ như đổ vỡ của đàm phán thương mại Mỹ – Trung, SSI kỳ vọng dòng vốn nước ngoài, trong đó có dòng vốn ETF sẽ tích cực hơn.
Hơn nữa, mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Theo đó, Luật quy định lại cụ thể và rõ ràng hơn chức năng và nhiệm vụ của 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tp.HCM, mở đường cho việc nâng hạng của TTCK Việt Nam và củng cố niềm tin của các NĐT.
Linh Đan