Tại kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và chỉ ra nhiều bất cập về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016.
Trong những năm vừa qua, công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN đã và đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, đây là một quá trình chuyển đổi nhiều khó khăn và phức tạp, dễ xảy ra nguy cơ thâu tóm cổ phần, biến tài sản nhà nước thành của riêng cá nhân hoặc lợi ích nhóm.
Định giá có là "đũa thần"?
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng những cách trục lợi phổ biến nhất là lợi dụng lỗ hổng của các quy định về quản lý, sử dụng đất và tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược không rõ ràng, đấu giá không minh bạch.
Theo quy định bắt buộc, doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa phải thuê tổ chức định giá nhằm xác định giá trị doanh nghiệp, để làm căn cứ xác định giá khởi điểm khi IPO. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp được định giá thấp hơn so với thực tế, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Một đại biểu Quốc hội đã lấy dẫn chứng về việc cổ phần hóa 10 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc một tổng công ty chỉ được định giá 327 tỷ đồng. Hay giá trị tại 17 doanh nghiệp có quy mô lớn sau kiểm toán tăng lên gần 22.357 tỷ đồng.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu chính xác, một phần là do quy trình thực hiện không hợp lý; năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá trị còn… non và không loại trừ cả động cơ trục lợi trong việc định giá doanh nghiệp thấp quá xa so với giá trị thực tế.
Ông Phạm Quang Dũng cho rằng trên thực tế, có nhiều phương pháp định giá giá trị doanh nghiệp, nhưng dù áp dụng theo phương pháp nào thì giá trị doanh nghiệp không chỉ bao gồm giá trị tài sản, mà còn tính cả khả năng sinh lời.
Việc có sự chênh lệch về giá trị doanh nghiệp trước và sau kiểm toán là do Kiểm toán Nhà nước và tổ chức định giá xác định phương pháp định giá theo phương pháp, hay thời điểm khác nhau.
Các nhà đầu tư có thể trả giá thấp hoặc cao hơn giá khởi điểm còn tùy vào thời điểm, thị trường, tình trạng doanh nghiệp.
Cũng theo ông Dũng, cho dù giá trị doanh nghiệp được xác định thế nào, thì việc thất thoát tài sản nhà nước nếu có cũng chỉ nằm ở khâu IPO, nếu khâu này không được giám sắt, quản lý chặt chẽ, thiếu công khai minh bạch.
Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và chỉ ra nhiều bất cập về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước |
Phải quản từ gốc
Để đảm bảo không xảy ra thất thoát tài sản nhà nước, nếu chỉ cần giám sát, kiểm soát chặn chẽ khâu IPO là chưa đủ. Một trong những yếu tố tiên quyết để cổ phần hóa DNNN thành công là phải tư duy theo hướng thị trường.
Thời gian qua, việc chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, theo phương thức bán thỏa thuận trực tiếp đã gây thất thoát vốn của Nhà nước. Bên cạnh đó, không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, nguyên tắc thị trường trong quá trình cổ phần hóa.
Mới đây, câu chuyện UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chuyển nhượng hơn 62% cổ phần tại công ty CP Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco không qua đấu giá đã gây sự hoài nghi trong dư luận.
Tổng số cổ phần chuyển nhượng là hơn 12,5 triệu cổ phần, với mức giá chuyển nhương là 12.600 đồng/cổ phần, tương đương khoảng 158 tỷ đồng.
Cùng với 7,5% cổ phần nắm giữ trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70% cổ phần của công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang và thâu tóm được chuỗi khách sạn có vị trí đắc địa nhất ở thành phố Huế.
Theo giải thích từ phía Bitexco, việc mua Hương Giang không qua đấu giá là do Bitexco được lựa chọn là Nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng chỉ có một hồ sơ của Bitexco muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Về cơ bản, nội dung các văn bản quy phạm, phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành trong giai đoạn 2011 – 2016 có phạm vi điều chỉnh ngày càng rộng, tăng cường trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách chậm được thể chế hóa hoặc chưa được thể chế hóa đầy đủ, thiếu thống nhất, rõ ràng, chưa có các giải pháp mang tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật về cổ phần hóa. Đây sẽ là khuôn khổ_chính sách_để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào quá trình thoái vốn nhà nước, đồng thời đảm bảo tính công khai minh bạch của tiến trình này.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng việc xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp cổ phần hóa luôn và vấn đề "nóng" trong thời gian qua.
Do đó, để bảo đảm lợi ích nhà nước và phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp cần xem xét lại quy định liên quan đến xác định giá trị quyền thuê đất và giá trị DNNN khi cổ phần hóa.
Linh Đan