Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 tháng tăng mạnh, đặc biệt chỉ trong tháng 7/2023, VN-Index đã tăng 8,8%, cao hơn gần gấp đôi mức tăng của tháng 6, với sự tham gia tích cực của nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Định giá thị trường tăng cao
Tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước chuyển biến tích cực, thể hiện qua số tài khoản mở mới 3 tháng liên tiếp trên 100.000 tài khoản/tháng. Riêng trong tháng 7 vừa qua có hơn 150.000 tài khoản chứng khoán được mở mới, cao nhất trong một năm gần đây.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường duy trì ổn định trên mức tỷ đô mỗi phiên. Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh ghi nhận tháng thứ tư cải thiện liên tiếp. Trong đó, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm cá nhân trong nước chiếm gần 87% tổng giá trị giao dịch tháng 7, ghi nhận 4 tháng liên tiếp trên ngưỡng 85% tổng giá trị, tăng đáng kể so với mức bình quân 80% các tháng trước đó.
Nhiều cổ phiếu đã bật mạnh từ đáy khiến định giá thị trường và cổ phiếu không còn rẻ, đồng nghĩa với việc chọn lọc cổ phiếu đang trở nên khó khăn hơn trước. (Ảnh minh họa) |
Dưới sức “nóng” của thị trường trong vài tháng qua, các chuyên gia cho rằng cần sự điều chỉnh đưa giá cổ phiếu “hạ nhiệt” để có thể trở nên hấp dẫn hơn.
Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã chốt lãi, chờ đợi giá xuống để “nhảy” vào thị trường. Tuy nhiên, họ không thể ngồi yên khi thấy giá cổ phiếu tiếp tục có xu hướng tăng, khi mà những yếu tố vĩ mô đang ủng hộ nhiều cho thị trường như giải ngân đầu tư công tháng 7 tăng đột biến, FDI tăng mạnh, lãi suất có dấu hiệu giảm mạnh hơn… đã khiến nhà đầu tư mạnh dạn hơn với thị trường, dẫn tới đà hưng phấn của nhà đầu tư vẫn tiếp tục kéo dài, VN-Index vẫn tăng điểm tích cực.
Thực tế, trong những phiên thị trường rung lắc và giảm điểm, thanh khoản cao cho thấy nhu cầu đầu tư kiếm lời của bên mua đã hấp thụ lực bán và làm gia tăng tâm lý sợ “mất hàng” của bên đang nắm giữ cổ phiếu.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, vẫn phải nhìn nhận rằng, thị trường đã tăng hơn 40% kể từ tháng 11/2022, nhiều cổ phiếu đã bật mạnh từ đáy khiến định giá không còn rẻ.
“Mức định giá P/E của thị trường đã được đẩy lên gần ngưỡng trung bình 5 năm là 17,7 lần (từ mức -2SD là 11,2 lần)”, Chứng khoán Mirae Asset nhận xét.
Mặt khác, kể từ cuối tháng 4/2023 đến nay, chỉ số VN-Index lần lượt vượt qua các ngưỡng kháng cự mạnh 1.100 điểm và 1.200 điểm, với tổng mức tăng gần 20%, mà chỉ có một số phiên rung lắc, chứ không xuất hiện nhịp điều chỉnh đáng kể nào.
Chứng khoán DSC cho rằng, trong 3 tháng qua, hơn 86% cổ phiếu trên HoSE nằm trong xu hướng tăng trung và dài hạn (vượt qua đường trung bình động 200 ngày), toàn bộ các nhóm cổ phiếu đều tăng giá, dù triển vọng kinh doanh tích cực hay tiêu cực. Các chỉ báo động lượng ngắn hạn cho thấy trạng thái quá mua. Trong khi đó, xét theo chu kỳ hàng năm, thị trường bắt đầu bước vào vùng trũng thông tin, kéo dài tới mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023.
Giới phân tích nhận định, “sóng” đang ở lưng chừng và thực sự khó có thể đoán được xu hướng của thị trường trong ngắn hạn, trong khi giá cổ phiếu cũng đã hồi phục khá mạnh, cho nên sự lựa chọn đang trở nên khó khăn hơn.
Nên "xuống tiền" với ngành nào?
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Rồng Việt, với việc dòng tiền nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường mạnh mẽ trở lại cũng sẽ có nhiều câu chuyện làm chất xúc tác cho các nhóm ngành hay cổ phiếu.
Chẳng hạn như câu chuyện đầu tư công với việc đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng và các nhóm ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng, lãi suất giảm và các ngành có độ nhạy cao với lãi suất, chính sách tài khóa kích cầu tiêu dùng và các nhóm ngành liên quan tiêu dùng, hay biến động kinh tế thế giới và các ngành liên quan xuất khẩu.
Tuy nhiên, không phải kỳ vọng lúc nào cũng sẽ sớm được hiện thực hóa. Do đó, nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu theo các dòng câu chuyện như trên cũng cần nhận thức rằng khi giá đã tăng quá nhanh so với những thay đổi về cơ bản về nội tại của doanh nghiệp, các nhóm cổ phiếu đó cũng sẽ điều chỉnh rất nhanh, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường đi vào vùng trống thông tin hoặc đối diện thông tin không tích cực.
“Nhà đầu tư cần linh hoạt và xác định trước vùng giá chấp nhận mua và mức sinh lời kỳ vọng. Mức sinh lời kỳ vọng cũng nên được xác định có cơ sở và một cách dễ tham khảo nhất là từ các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, dự báo về lợi nhuận trong năm của doanh nghiệp, so sánh mức P/E hiện tại so với quá khứ và so với ngành, thì với mức lợi nhuận như trên, giá hợp lý của cổ phiếu mức nào”, bà Lam nói.
Ngoài ra, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Rồng Việt đánh giá nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục là ngành có đóng góp lớn nhất, không chỉ do vai trò quan trọng về vốn hóa mà còn vì các yếu tố như: vốn tín dụng sẽ bắt đầu được giải ngân nhanh hơn sau khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt đáng kể; định giá của ngành vẫn thấp hơn mức trung bình 3 năm.
Bên cạnh đó, ngành dịch vụ công nghiệp và công nghệ thông tin cũng có thể đóng góp nhiều hơn vào chỉ số nhờ cải thiện được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm. Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn sẽ là một động lực tăng của thị trường nhờ hưởng lợi trực tiếp từ quy mô giao dịch và dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cao hơn nửa đầu năm nay.
Tương tự, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS khuyến nghị, nhà đầu tư nên tập trung nhóm cổ phiếu đã tạo đáy lợi nhuận và sẽ đi lên mạnh mẽ trong quý III và IV như ngân hàng, chứng khoán. “Nhìn sang câu chuyện năm 2024, nhóm cổ phiếu bán lẻ, thép sẽ có câu chuyện phục hồi về mặt lợi nhuận”, ông Tuấn đánh giá.
Còn ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Chứng khoán Đông Á (DAS) cho rằng, nhà đầu tư nên chọn lọc các nhóm ngành tiềm năng được phản ánh một phần qua kết quả kinh doanh quý II/2023 để xây dựng danh mục đầu tư trung dài hạn. Nhóm thép, bất động sản được kỳ vọng đã qua giai đoạn khó khăn nhất và có thể phục hồi kết quả kinh doanh từ nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng vẫn giữ được lợi nhuận cao hơn trung bình thị trường và giá cổ phiếu chưa tăng nhiều, là các nhóm đáng quan tâm.
Hải Giang