Sau một năm bùng nổ, dòng vốn ETF có xu hướng đảo chiều rõ rệt từ đầu năm 2023. Nhiều quỹ ETF bị rút vốn mạnh, triền miên nhiều tháng, nhất là những quỹ đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Quỹ nắm giữ cổ phiếu tài chính bị rút ròng mạnh
Điển hình như Quỹ SSIAM VNFinLead ETF. Từ đầu năm đến nay, quỹ này chỉ có đúng 3 tháng không bị rút vốn. Những tháng gần đây, động thái rút vốn diễn ra ngày càng quyết liệt.
Nhiều quỹ ETF bị rút vốn mạnh, triền miên nhiều tháng, nhất là những quỹ đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. (Hình minh hoạ) |
Tính riêng từ đầu tháng 11, quỹ ETF này đã bị rút ròng hơn 800 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm lên gần 1.500 tỷ. Con số đó đẩy SSIAM VNFinLead ETF vào nhóm quỹ hoán đổi bị rút vốn mạnh nhất thị trường. Xu hướng trái ngược hoàn toàn với năm ngoái khi quỹ ETF này hút ròng hơn nghìn tỷ.
Được biết, SSIAM VNFin Lead ETF đi vào vận hành tháng 2/2020, tham chiếu chỉ số VNFinLead. Hiện tại, danh mục của ETF này gồm 21 cổ phiếu, trong đó 4 cổ phiếu chứng khoán (HCM, SSI, VCI và VND) chiếm 15,5% tổng giá trị tài sản ròng (NAV), các mã ngân hàng chiếm đến gần 84,4%. Hiện, tổng NAV của quỹ vào khoảng gần 2.800 tỷ đồng.
Tương tự, một ETF khác cũng tham chiếu theo rổ chỉ số gồm toàn cổ phiếu tài chính (VNFinSelect) là KIM Growth VNFinSelect ETF cũng không hút được tiền trong 3 tháng qua. Tổng NAV của quỹ hiện vào khoảng 283 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu ngân hàng chiếm đến 88% danh mục, cổ phiếu chứng khoán chiếm hơn 10%.
Theo lý giải của các chuyên gia, việc USD tăng giá trong những tháng gần đây có tác động tiêu cực tới quỹ ETF của các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam. Sức trụ bất ngờ của nền kinh tế Mỹ đã củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ lãi suất ở vùng cao trong thời gian dài khiến đồng USD tăng giá mạnh. Việc này sẽ thu hút dòng vốn quay trở lại Mỹ và khiến các quỹ ETF tại thị trường mới nổi và cận biên bị rút ròng.
Cụ thể, các quỹ ETF đã ghi nhận dòng vốn rút ròng khỏi Việt Nam đạt 4.425 tỷ đồng trong riêng quý III/2023, khiến dòng vốn vào ròng trong 9 tháng năm 2023 chỉ còn 415 tỷ đồng.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc rút vốn gần đây là do thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh kể từ tháng 5, khiến nhà đầu tư có xu hướng chốt lời khi định giá thị trường dần trở nên bớt hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, SSIAM VNFin Lead ETF và KIM Growth VNFinSelect ETF đều có hiệu suất rất khả quan từ đầu năm, lần lượt đạt 25% và 14,5%. Những con số này là vượt trội trong nhóm ETF và ấn tượng hơn nhiều so với mức tăng gần 9% của VN-Index.
Triển vọng nhóm cổ phiếu tài chính kém sáng
Ngoài ra, nội tại danh mục cũng ảnh hưởng đến khả năng hút tiền của bộ đôi ETF này thời gian qua. Với đặc thù cổ phiếu ngân hàng chiếm 85-90% danh mục, triển vọng ngành ngân hàng có tác động lớn đến sức hấp dẫn của những chứng chỉ quỹ ETF, nhưng tình hình nhóm này không thật sự khả quan dưới áp lực từ tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu tăng cao.
Có thể thấy, cổ phiếu ngân hàng là nhóm có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, nhóm ngành này cũng được kỳ vọng phục hồi, thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường.
Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế chưa được như mong đợi do tăng trưởng kinh tế suy giảm, tín dụng tăng trưởng chậm. Nhất là từ đầu năm đến nay, để chia sẻ với doanh nghiệp, nền kinh tế, các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay; tốc độ giảm lãi suất cho vay nhanh hơn lãi suất huy động khiến cho thu nhập lãi thuần (NIM) ngày càng thu hẹp.
Chưa kể, những vấn đề của thị trường bất động sản kéo dài (vướng mắc về pháp lý, tắc nghẽn dòng vốn và doanh số bán ảm đạm) cũng là nguyên nhân khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của hệ thống ngân hàng liên quan tới tín dụng bất động sản tăng cao. Đây được xem là rủi ro lớn nhất với hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, việc nợ xấu tăng trong khi chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ khiến “bộ đệm” dự phòng của các ngân hàng tiếp tục bị “bào mòn”.
Tất cả điều này tác động đến kết quả kinh doanh của ngân hàng thấp hơn so với năm trước, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
“Lĩnh vực ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tín dụng tăng trưởng chậm và nợ xấu phình to”, ông Yang Seung Won, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam đánh giá.
Theo báo cáo mới đây, VIS Rating cho rằng một số ngân hàng tư nhân sẽ khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận vượt trội như kế hoạch đã đề ra. Các ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn gặp nhiều khó khăn dưới tác động của chi phí tín dụng tăng cao vì các ngân hàng này có dấu hiệu suy giảm chất lượng tài sản đáng kể hơn.
Trong khi đó, thông tin hệ thống KRX vận hành vào cuối năm 2023 đang là yếu tố giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán trở nên hấp dẫn, tuy nhiên triển vọng nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang gặp một số thách thức. Sau giai đoạn tăng nóng từ đầu năm, định giá nhóm cổ phiếu này đang ở mức khá cao. Đa số các công ty chứng khoán (CTCK) đều có mức P/B trên 2 lần, có những trường hợp còn lên 3 lần, đã gần chạm đến mức của thời điểm năm 2021. Chưa kể, kết quả kinh doanh của nhiều CTCK tăng cao sẽ khiến định giá cổ phiếu sẽ trở nên “đắt” hơn.
Hơn nữa, việc nhiều CTCK vốn hóa nhỏ ghi nhận hiệu quả hoạt động tốt hơn so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi từ lãi hoạt động đầu tư khi thị trường tăng trở lại trong giai đoạn qua được dự báo sẽ khó duy trì trong những tháng cuối năm 2023 bởi diễn biến của thị trường đang trở nên khó đoán.
Mặt khác, với đặc thù tình hình kinh doanh phụ thuộc lớn vào thanh khoản và sự biến động của thị trường chứng khoán, giao dịch ảm đạm thời gian gần đây có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của nhóm này trong quý cuối năm.
“Trong quý IV, nhóm cổ phiếu chứng khoán có khả năng sẽ diễn biến giằng co theo hình sin, lên xuống nhiều lần”, ông Nguyễn Viết Công, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VPS nhận xét.
Hải Giang