8 cổ phiếu bao gồm CEO của Tập đoàn CEO (tỷ trọng 0,64%), PVD của PV Drilling (0,56%), HUT của Tasco (0,49%), BCG của Bamboo Capital (0,42%), HDG của Tập đoàn Hà Đô (0,41%), ORS của Chứng khoán TPS (0,37%), DXG của Tập đoàn Đất Xanh (0,34%), VIX của Chứng khoán VIX (0,24%).
Tỷ trọng cổ phiếu tăng mức kỷ lục
Theo thống kê, những quý gần đây, MVIS Vietnam Index thêm mới khá nhiều cổ phiếu Việt Nam. Tính trong 2 quý gần nhất, số lượng cổ phiếu được thêm mới lên tới 14 mã.
“Việc quy mô thanh khoản, vốn hóa thị trường Việt Nam tăng vọt trong 2 năm qua đã khiến nhiều cổ phiếu lọt vào danh sách chỉ số”, một chuyên gia nêu nhận xét.
Chi tiết ước tính danh mục VNM ETF trong kỳ cơ cấu quý I/2022. (Ảnh: Int) |
Ước tính, VNM ETF sẽ mua vào khoảng 3,32 triệu USD cổ phiếu CEO (khoảng 1,18 triệu cổ phiếu); mua 2,91 triệu USD cổ phiếu PVD (khoảng 1,8 triệu cổ phiếu); mua 2,55 triệu USD cổ phiếu HUT (khoảng 1,58 triệu cổ phiếu); mua 2,18 triệu USD cổ phiếu BCG (khoảng 1,92 triệu cổ phiếu); mua 2,13 triệu USD cổ phiếu HDG (khoảng 700 nghìn cổ phiếu); mua 1,92 triệu USD cổ phiếu ORS (khoảng 1,72 triệu cổ phiếu); mua 1,77 triệu USD cổ phiếu DXG (khoảng 1 triệu cổ phiếu) và 1,25 triệu USD cổ phiếu VIX (khoảng 1,3 triệu cổ phiếu).
Ngoài các cổ phiếu được thêm mới nêu trên, một số cổ phiếu được tăng tỷ trọng đáng kể trong kỳ cơ cấu này còn có HPG (+1,64%), VIC (+1,48%), STB (+3,64%), VJC (+2,08%). Chiều ngược lại, những cổ phiếu bị giảm tỷ trọng lớn nhất gồm VNM (-2,03%), VND (-1,6%).
Sau kỳ cơ cấu này, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục MVIS Vietnam Index sẽ tăng 4,9 % so với kỳ cơ cấu trước lên 83,5% và tăng 4% so với ngày 12/3.
Trước đó, tại ngày 12/12, quy mô danh mục VNM ETF đạt 519,5 triệu USD và ước tính quỹ sẽ mua ròng khoảng 21 triệu USD (~475 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam trong kỳ cơ cấu này.
Trong tuần trước, FTSE Vietnam Index đã thông báo danh mục quý 3 với việc thêm mới DPM, VCG và VND. Cả 2 quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF sẽ hoàn tất việc cơ cấu danh mục trong tuần giao dịch tiếp theo với tâm điểm là phiên giao dịch 18/3.
Kết quả kinh doanh trái chiều
Với tỷ trọng cao nhất trong 8 cổ phiếu mới lọt rổ, CEO là cái tên gây chú ý nhất. Năm 2021, cổ phiếu CEO được coi như một “hiện tượng lạ” khi đã tăng “dựng đứng”, trong khi kết quả kinh doanh không có nhiều ấn tượng, lỗ nhiều quý liên tiếp. Thậm chí cổ phiếu này còn bị HNX đưa vào diện cảnh báo từ 20/4/2021 do lợi nhuận âm.
Cổ phiếu CEO đã có lúc vọt lên 92.500 đồng/cp (7/1/2022), vượt xa so với định giá do dòng tiền đầu cơ. Sau đó, cổ phiếu này biến động mạnh với nhiều phiên sàn rồi lại trần. Trong 2 phiên đầu Xuân Nhâm Dần, CEO nằm sàn 2 phiên liên tiếp, hiện có giá 64.400 đồng/cp (11/3/2022).
Nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu lọt rổ VNM ETF trong kỳ cơ cấu quý I/2022 có kết quả kinh doanh ảm đạm. (Ảnh: Int) |
Trong khi đó, năm 2021, PV Drilling ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế giảm lần lượt gần 24% và 80% so với năm 2020. Trong khi đó, cổ phiếu PVD lại được hưởng lợi từ xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu tăng mạnh và vượt đỉnh 10 năm.
Cổ phiếu PVD đã có 2 tuần tăng giá liên tiếp gần đây. Chốt phiên 11/3, cổ phiếu PVD đang giao dịch ở mức 37.100 đồng/cp. Mặc dù cổ phiếu này đang trong tình trạng chung gặp áp lực điều chỉnh của nhóm dầu khí nhưng PVD vẫn được đánh giá có cơ hội vượt đỉnh 7 năm.
Chiều ngược lại, lũy kế năm 2021, Tasco ghi nhận doanh thu đạt 873 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 48 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ lũy kế 234 tỷ đồng. Dù không hoàn thành chỉ tiêu doanh thu nhưng doanh nghiệp vẫn vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận.
Trên sàn chứng khoán, “cơn sốt” cổ phiếu bất động sản trong thời gian gần đây đã giúp cổ phiếu HUT liên tục trải qua chuỗi tăng nóng. Trong đó, từ 14/9/2021 đến 10/1/2022, cổ phiếu HUT tăng 140% từ 8.600 đồng/cp lên 20.600 đồng/cp và lập đỉnh lịch sử từ khi niêm yết năm 2008 tới nay. Sau 4 phiên điều chỉnh, cổ phiếu HUT tiếp tục đà tăng phi mã, chốt phiên 11/3 ở mức 36.900 đồng/cp.
Cũng được hưởng lợi từ nhóm cổ “đất”, giá cổ phiếu DXG có diễn biến tích cực trong thời gian qua. Tính riêng trong 1 tháng qua, cổ phiếu DXG đã tăng gần 30% và hiện đang có nhịp điều chỉnh sau nhịp tăng mạnh.
Về kết quả kinh doanh, cả năm 2021, Đất Xanh ghi nhận doanh thu gấp 3,5 lần, đạt hơn 10.083 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 1.595 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 174 tỷ đồng của năm trước.
Tương tự, luỹ kế cả năm 2021, Hà Đô đạt gần 3.842 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.333 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 1.090 tỷ đồng tăng 11,3% so với năm 2020 - lần đầu tiên công ty có lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Trên thị trường, năm 2021, cổ phiếu HDG liên tục lập đỉnh mới với mức giá cao nhất từ trước tới nay là 76.300 đồng/cp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu liên tục điều chỉnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3, cổ phiếu HDG xuống 69.500 đồng/cp.
Nổi bật nhất phải kể đến là Bamboo Capital khi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 khá ấn tượng với doanh thu thuần hơn 648 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 272 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, công ty đạt hơn 2.589 tỷ đồng doanh thu và gần 973 tỷ đồng lợi nhuận.
Cùng với lợi nhuận tích cực, cổ phiếu BCG trong năm 2021 cũng rực rỡ không kém. Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu BCG vẫn khởi sắc cùng thanh khoản sôi động. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3, cổ phiếu BCG giao dịch ở mức 24.200 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt gần 12 triệu đơn vị.
Là một công ty chứng khoán nhỏ thua lỗ trong nhiều năm, nhưng từ khi tái cơ cấu thành công với sự tham gia của cổ đông lớn TPBank, TPS đã có sự “lột xác” ngoạn mục khi 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận doanh thu 891,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 180,3 tỷ đồng, gấp 3,5 lần về doanh thu và gần 3 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán, cùng xu hướng của nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu ORS cũng ghi nhận mức tăng tốt trong năm 2021. Chốt phiên ngày 11/3, cổ phiếu ORS giao dịch ở mức 25.600 đồng/cp.
Kết thúc năm 2021, chứng khoán VIX tiếp tục đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Tổng doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.570 tỷ đồng và 736 tỷ đồng, đều cao gấp đôi năm 2020, vượt hơn 35% mục tiêu đề ra.
Thị giá VIX năm 2021 cũng liên tục bứt phá với hàng triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Thời gian gần đây, cổ phiếu VIX đang gặp áp lực điều chỉnh và hiện giao dịch ở mức 22.400 đồng/cp (11/3).
Như vậy, với việc tăng thêm 8 cổ phiếu trên đã nâng số lượng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục MVIS Vietnam Index lên con số 44. Đồng thời, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam cũng tăng lên mức 83,5% - mức tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lớn nhất trong rất nhiều năm trở lại đây của bộ chỉ số MVIS Vietnam Index.
Hải Giang