Đối với doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành chưa thực hiện niêm yết, điển hình như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Bộ Công Thương) có 5 công ty, gồm: CTCP Vận tải và dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên - Huế, CTCP Thương mại và dịch vụ Petrolimex Đà Nẵng, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex, CTCP Tư vấn xây dựng Petrolimex.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Bộ Công Thương) gồm 16 công ty con: CTCP Đại lý hàng hải, CTCP Than Miền Nam, CTCP Kinh doanh than Cẩm Phả…
Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Bộ NN&PTNT) có 18 doanh nghiệp: CTCP Lương Thực Hà Sơn Bình, CTCP Lương Thực Cao Lạng, CTCP Lương thực Điện Biên, CTCP Lương thực Sơn La…
Một số doanh nghiệp thuộc địa phương chưa thực hiện niêm yết có tỷ lệ cao là: Hà Nội (78 doanh nghiệp), TP.HCM (89 doanh nghiệp)…
Petrolimex có 5 công ty chưa thực hiện niêm yết (Ảnh Internet) |
Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tính đến hết ngày 12/9/2018, có 231 doanh nghiệp (31% doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chưa niêm yết/đăng ký giao dịch) đã đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban (bao gồm 152 doanh nghiệp đã niêm yết và đăng ký giao dịch, 56 doanh nghiệp chưa niêm yết/đăng ký giao dịch và 23 doanh nghiệp đã hủy đăng ký công ty đại chúng). Như vậy, tỷ lệ thực hiện nghĩa vụ đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chưa cao (152/747 doanh nghiệp, chiếm 20,3%).
Trước đó, ngày 15/8/2017, Bộ Tài chính cũng đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính nhận định, việc nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Vũ Trọng