Bên lề cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 sáng 29/6, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP trong nước tăng 7,08%, đây là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP trong nước tăng 7,08%, đây là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây |
GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá, tuy nhiên chỉ số tiêu dùng (CPI) cũng tăng cao? Đây có phải là thách thức đối với quản lý kinh tế từ nay đến cuối năm thưa ông?
Chỉ số giá (CPI) tăng khá cao do mấy nguyên nhân như: giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá một số mặt hàng lương thực tăng lên do xuất khẩu gạo Việt Nam ra nước ngoài được giá, một số mặt hàng dịch vụ được điều chỉnh theo chỉ đạo điều hành của Chính Phủ.
Chính phủ luôn quan tâm tới giải pháp kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu dưới 4%, vì vậy kịch bản điều hành được cập nhật và điều chỉnh hàng tháng, tháng nào không có nhiều tác nhân khiến CPI không tăng cao, giá một số mặt hàng dịch vụ có thể điều chỉnh và ngược lại. Ví dụ tháng 7 tới sẽ điều chỉnh một số giá dịch vụ y tế.
Tôi tin tưởng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2018 dưới 4% là hoàn toàn khả thi.
Vậy nền kinh tế có đang đang gặp phải thách thức nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7% không thưa ông?
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là hoàn toàn khả thi. Bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay khác các năm trước, quý I tăng trưởng cao, quý II vẫn giữ được đà tăng trưởng như vậy.
Chúng tôi tin tưởng, ngay từ đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 với từng chương trình cụ thể để chỉ đạo điều hành các bộ ngành địa phương.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý, sau khi có kết quả tăng trưởng quý II, chúng tôi xây dựng kịch bản tăng trưởng cả năm, yêu cầu quý III, IV phải tăng bao nhiêu.
Gần đây, Chính phủ quan tâm tới tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thể hiện qua số lượng thành lập DN tăng mạnh.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số lượng phải phá sản cũng không ít, ông có thể cho biết nguyên nhân và điều này có tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế?
Tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng gần 81 nghìn DN.
Tất nhiên, bên cạnh DN mới thành lập, số lượng DN tạm dừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể cũng khá cao với hơn 34.000 DN.
Tuy nhiên, DN có thành lập thì có mất đi, điều này cho thấy nền kinh tế đang vận hành tốt.
Đặc biệt, DN Việt phá sản trên tổng số DN thành lập mới của Việt Nam vẫn khá thấp với tỷ lệ chưa tới 50%, trong khi ở Anh là 80%, Newzealand là 90%...
Sắp tới, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, số lượng DN thành lập xong giải thể còn nhiều hơn nữa, quan trọng là DN thất bại sẽ tiếp tục vực dậy để kinh doanh.
Lê Thúy (ghi)