Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, so với thời điểm cuối năm 2019, lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5-1%/năm. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do hàng hoá tồn đọng, giảm doanh thu... Vì vậy, mức lãi suất trên vẫn còn khá cao, nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, liệu các ngân hàng có dư địa giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay không?.
Sau nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng hiện nay lãi suất vẫn còn cao so với “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất hiện nay không dễ dàng bởi chi phí đầu vào và lạm phát vẫn còn khá cao.
Hiện, các ngân hàng đang huy động với lãi suất từ 6,0-11%/năm. Vì vậy, không thể giảm lãi suất xuống mức 7-8%/năm như mong muốn của nhiều doanh nghiệp. Mặt khác, muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức 2%. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ phát đang là 4% cộng với 2% lãi suất huy động và biên độ 3% lãi suất cho vay. Như vậy, lãi suất cho vay còn khá cao, việc giảm lãi trong bối cảnh hiện nay sẽ rất khó.
Thực tế, hiện nay một số doanh nghiệp gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng, nhưng đó lại là những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, nên ngân hàng không dám cho vay vì sớm muộn sẽ có nợ xấu,mất vốn.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đến nay khoảng 2,45% rất thấp so với năm ngoái.
Hiện nay, có một số ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao. Liệu điều này có "quá sức" đối với các ngân hàng không, thưa ông ?
Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm nay là 14% sẽ khó thực hiện được, chỉ ở mức 10%, thậm chí có thể thấp hơn.
Việc một số ngân hàng vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao và không điều chỉnh giảm dù dịch Covid-19 đã tác động đến kết quả kinh doanh của các nhà băng, bởi họ vẫn còn hy vọng sự bứt phá trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, các ngân hàng đưa ra cái nhìn lạc quan về tăng trưởng tín dụng nhưng phải thận trọng kiểm soát rủi ro.
Đối với các ngân hàng lợi nhuận là chỉ tiêu đầu tiên trong kế hoạch kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, năm nay tình hình lợi nhuận của ngân hàng sẽ thấp hơn năm ngoái nhiều do thu nhập từ lãi thuần hoạt động tín dụng giảm, nợ xấu tăng làm tăng chi phí dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, một số ngân hàng đang chuyển dịch cơ cấu sang lĩnh vực phi tín dụng như: tăng thu từ dịch vụ, bán bảo hiểm, đầu tư chứng khoán… để bù đắp sự sụt giảm tăng trưởng tín dụng.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo ông liệu trong năm nay các ngân hàng có lên sàn theo kế hoạch?
Tôi cho rằng, năm nay môi trường tài chính không thuận lợi cho các ngân hàng lên sàn. Giá cổ phiếu đang biến động và chưa biết sẽ như thế nào. Hiện VN-Index vẫn giữ vẫn đà tăng và tiệm cận mốc 900 điểm, nhưng dịch bệnh có thể đẩy xuống bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, một số ngân hàng giá cổ phiếu vẫn đang ở dưới mệnh giá, nên họ chờ thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu ít nhất phải bằng mệnh giá mới phát hành.
Tuy nhiên, theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đến hết năm 2020, toàn bộ các Ngân hàng thương mại sẽ phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (sàn UPCoM).
Vì vậy, dù môi trường không thuận lợi, nhưng các ngân hàng bắt buộc phải tuân thủ đúng quy định và Ngân hàng Nhà nước cần có những chế tài để xử phạt những ngân hàng không lên sàn trong năm nay.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hoa thực hiện