Trước những khó khăn, bất cập ngày càng nhiều và ảnh hưởng tiêu cực càng lớn hơn của lĩnh vực nông nghiệp, một lần nữa, Chính phủ và Ban kinh tế Trung Ương đang quyết liệt xây dựng đề án và chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp.
Đây là chủ trương hoàn toàn đúng và cần phải sớm triển khai trước khi quá muộn. Nhưng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nào và như thế nào, chúng ta phải làm rõ thì mới có thể thực hiện thành công.
Trước đây nói tái cơ cấu nông nghiệp thường là thay đổi cơ cấu từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa để trao đổi, mua bán. Hay trước chuyên trồng lúa, thâm canh tăng từ 2 vụ lên 3 vụ lúa thì nay trồng thêm, trồng xen rau củ, hoa màu khác. Hoặc là trước chú trọng cây trồng, nay giảm bớt để tăng tỷ lệ chăn nuôi, hay chuyển từ chú trọng tiêu thụ trong nước sang tăng cường xuất khẩu, kể cả xuất bằng mọi giá,…
Chưa thực sự theo cung cầu
Tất cả những thay đổi, điều chỉnh đó và tương tự như vậy đều là tái cơ cấu nông nghiệp cho từng thời kỳ. Tuy nhiên đến thời điểm này, theo ý kiến của một số chuyên gia, cần phải có cách nhìn khác, thậm chí tư duy khác về tái cơ cấu nông nghiệp.
Vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lĩnh vực nông nghiệp nói chung và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thực sự theo thị trường. Ví dụ, ngay gần đây và trong thời điểm này, chúng ta đều rất buồn và rất tiếc khi hàng nghìn, hàng vạn tấn chuối ở Đồng Nai, Tây Ninh, dưa hấu ở Quảng Ngãi và một số sản phẩm khác bị đem cho bò, cho dê ăn, thậm chí đổ bỏ làm phân bón. Giá bán chỉ 500 đồng-1000 đồng/kg không đủ bù một phần chi phí thu hái và vận chuyển.
Cuối năm trước, chúng ta chưa kịp vui mừng vì qui mô chăn nuôi lợn tăng trưởng nhanh chưa từng có thì giá lợn xuống dưới giá thành rất nhiều. Càng tăng nhanh qui mô càng lỗ nặng. Những thực tế đó nói lên điều gì?
Rõ ràng là nhiều sản phẩm đang chạy theo qui mô sản lượng lớn với kết cục là thất bại, là khó khăn, trước hết là cho người nông dân, người sản xuất trực tiếp. Vì vậy, đã có ý kiến cho rằng một trong những hướng tái cơ cấu nông nghiệp là theo hướng phải tăng năng suất nhưng không được tăng sản lượng. Với khá nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, chúng ta cần tính toán để có thể chủ động giảm sản lượng, nếu thấy điều đó là cần, là có lợi hơn.
Nhu cầu tiêu thụ của thị trường là có hạn. Nếu sản lượng cung ra thị trường tăng nhiều, tăng nhanh dẫn đến giá sẽ giảm. Do vậy, chúng ta vẫn phải chứng kiến thường xuyên cảnh “được mùa, mất giá’’ với rất nhiều sản phẩm.
Việc mong muốn vừa được mùa, vừa được giá là nguyện vọng chính đáng nhưng trong khi cầu thị trường có hạn thì đó chỉ là mong muốn lý tưởng.
Khó có thể đạt được mục tiêu lý tưởng mà cần phải tối ưu hóa. Ở đây cụ thể là tối ưu hóa lợi nhuận thu được cho nông dân, cho người sản xuất nhờ giá tốt, nhờ sản lượng được khống chế phù hợp.
![]() |
Nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Nâng cao chất lượng, khống chế sản lượng
Đã có ý kiến cho rằng nếu vậy tăng năng suất để làm gì? Câu trả lời có thể khẳng định là nông nghiệp Việt Nam rất cần áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa để có năng suất cao. Tuy nhiên, đạt năng suất cao không phải để sản xuất ra sản lượng cao gấp 2-3 lần, mà phải đạt năng suất cao để giảm chi phí cho một đầu sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.
Chủ động khống chế sản lượng, thậm chí giảm sản lượng không chỉ là điều tiết giảm nguồn cung trên thị trường mà còn giúp cho người nông dân, người sản xuất có thêm nguồn lực để quan tâm, chăm chút nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chất lượng cao với các sản phẩm nông nghiệp không chỉ là ngon, là bổ dưỡng mà trước hết là xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thế mới bán được sản phẩm giá tốt. Như vậy là cần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời khống chế sản lượng cung trên thị trường.
Để có thể làm được điều đó, thực ra không hề dễ dàng ở Việt Nam hiện nay, nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn làm được. Về mặt vĩ mô, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hay hỗ trợ, các nhà sản xuất nông nghiệp, hộ nông dân rất cần có thông tin cụ thể cung cầu từng sản phẩm trên thị trường. Với một số ít sản phẩm có thể chúng ta đã có qui hoạch ngành, qui hoạch một sản phẩm, cây gì, con gì, bao nhiêu,…
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay không chỉ manh mún mà vẫn còn mang tính tự phát của người dân, theo phong trào rất nhiều. Do vậy, thực hiện đúng theo qui hoạch là rất khó. Điều đó dẫn đến sản lượng không kiểm soát được, cung quá nhiều trong một thời điểm nhất định. Chưa kể diễn biến cung cầu thị trường thay đổi liên tục và đa dạng.
Chẳng hạn, nếu chỉ có 2-3 huyện chuyên trồng dưa hấu thì vừa với sức tiêu thụ của thị trường nhưng huyện nào, xã nào cũng trồng sẽ dẫn tới cung vượt cầu, ít nhất là tại cùng một thời điểm. Khi đó, mất giá là đương nhiên, được mùa càng dễ mất giá.
Hay ví dụ năm trước, qui hoạch đàn lợn 25 triệu con là vừa với nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước với giá tốt, có lợi nhuận. Thế nhưng, phát triển tự phát hay nuôi phong trào tới 27-28 triệu con lợn. Hơn nữa sản phẩm thay thế như thịt gà lại rất nhiều, nhập khẩu rất rẻ khiến cho nhu cầu tiêu thụ thịt lợn xuống còn là 21-22 triệu con, không đúng như qui hoạch tính toán ban đầu là 25 triệu con nữa. Khi đó thừa lợn, giá giảm mạnh, người nuôi thua lỗ nặng, đó là điều không tránh được.
Theo kinh nghiệm quốc tế cũng như liên hệ với thực tiễn Việt Nam hiện nay, mô hình HTX kiểu mới có thể là một giải pháp tốt để tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng thị trường.
HTX là một giải pháp rất tốt
Thực tế cho thấy, dù có chính sách vĩ mô tốt, có thông tin thị trường đủ và đúng thì vẫn rất cần người tổ chức thực hiện cụ thể. Trong khi đó, hiện nay đa phần nông dân, người làm nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, theo phong trào.
Ở đây không chỉ là vấn đề kiểm soát cung cầu, điều tiết sản lượng, mà quan trọng hơn là vấn đề tăng năng suất, giảm chi phí và tăng chất lượng chỉ có thể thực hiện tốt nếu liên kết được các hộ nông dân, các nhà sản xuất.
Thực tế là chúng ta rất khó khăn trong việc dồn điền đổi thửa, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Trung. Gần đây, chủ trương mở rộng, tăng mức hạn điền là đúng. Nhưng bấy nhiêu không đủ và cần rất nhiều thời gian. Vì vậy rất cần có ngay những tổ chức như HTX đứng ra tập hợp liên kết bà con nông dân, hộ gia đình lại để làm được điều đó.
HTX sẽ cung cấp, thông tin lại cung cầu thị trường cho bà con, góp phần điều tiết cung cầu, sản lượng sản phẩm. HTX sẽ thực hiện một số dịch vụ mà từng hộ nông dân không làm được hay làm không hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng và thiết thực với các công đoạn làm tập trung, cơ giới hóa hay các dịch vụ chuyển giao công nghệ, cùng nuôi trồng một loại giống, một cách chăm sóc, thu hoạch và chế biến theo một qui trình thống nhất được tập huấn, hướng dẫn bài bản thông qua HTX.
Đây chính là nền tảng quan trọng để HTX thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm cho nông dân, bao gồm cả xây dựng thương hiệu và bán hàng, giải quyết đầu ra.
Ở các nước đã thành công lâu năm thì chỉ có một kiểu HTX. Với họ, HTX cũng là một loại hình doanh nghiệp của người dân, do người dân góp vốn hoàn toàn, phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường.
HTX không thay thế kinh tế hộ, thay thế kinh tế cá thể. HTX là một tổ chức kinh tế có tính xã hội, có tính nhân văn cao chứ không phải là một tổ chức xã hội hay tổ chức đặc thù nào đó được phép làm kinh tế. Còn ở Việt Nam cần sự phân biệt cũ-mới để tránh nhầm lẫn và bị ảnh hưởng của HTX thời kỳ bao cấp với nền kinh tế kế hoạch tập trung trước kia.
Về pháp luật và chính sách, chúng ta cần chú ý không chỉ quan tâm hỗ trợ để HTX ra đời, để khỏi giải thể. Quan trọng hơn là HTX cần có môi trường thông thoáng và điều kiện để cạnh trạnh và phát triển trong nền kinh tế thị trường.
Theo kinh nghiệm quốc tế, HTX không phải là mục tiêu mà HTX chỉ là phương tiện, một phương tiện rất tốt và đặc biệt phù hợp với người dân nông nghiệp và nông thôn.
HTX không phải là tổ chức duy nhất, là công cụ duy nhất có thể cùng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng đặc biệt chú trọng chất lượng đồng thời với việc tăng năng suất và khống chế, điều tiết sản lượng sản phẩm nông nghiệp.
Nhưng HTX là một công cụ rất tốt để giải quyết vấn đề nông nghiệp nông thôn ở nước ta, nhất là trong bối cảnh thực tế nông dân làm ăn nhỏ lẻ, tự phát, theo phong trào ruộng vườn manh mún, khó đầu tư.
HTX cần hỗ trợ môi trường thông thoáng
Thời gian vừa qua, chúng ta nói quan tâm, ưu đãi khuyến khích HTX rất nhiều nhưng về khung pháp lý cao nhất chúng ta mới chỉ có Luật HTX 2012 để quản lý nhà nước về HTX. Trong khi đó, Luật doanh nghiệp 2014 được đánh giá là thông thoáng cởi mở rất nhiều nhưng Quốc Hội vẫn xem xét chuẩn bị Ban hành riêng một Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vậy bao giờ các HTX có luật hỗ trợ riêng cho mình hay là sau này phải có xác nhận HTX cũng là doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa để hưởng hỗ trợ giống như trước đây đã có nhiều HTX từng làm để được ưu đãi miễn giảm thuế giống như DNNVV.
Ở nhiều nước, Luật HTX của họ cho phép HTX được tự do kinh doanh với mọi khách hàng, là thành viên cũng như không là thành viên, không bị hạn chế tỉ lệ nào đó. Thử hình dung, một HTX mới thành lập chỉ có 7 thành viên (ở nhiều nước, như Đức chẳng hạn chỉ cần 3 thành viên) thì sao có thể tồn tại nếu chỉ kinh doanh phục vụ từ 7-10 khách hàng?!
HTX ở nhiều nước cũng không hoàn toàn dễ vay vốn nhưng họ có qui định HTX theo điều lệ của mình có thể tự do liên kết kinh doanh, hùn góp vốn, kết nạp người có vốn lớn nếu điều đó có lợi cho HTX, cho thành viên.
Ở một số nước như Đức chẳng hạn, Luật thừa nhận HTX có thành viên góp vốn, họ không nhất thiết có nhu cầu hay bắt buộc phải kinh doanh gì với HTX.
Mô hình HTX có đặc trưng riêng là mô hình đối nhân, dù góp vốn bao nhiêu cũng chỉ có một phiếu biểu quyết như nhau. Do đó, họ có thể tạo môi trường thông thoáng để HTX chủ động và linh hoạt theo định hướng thị trường mà không sợ cá nhân góp vốn chi phối HTX.
Phạm Quang Vinh - Chuyên gia Tài chính và Kinh tế phát triển