![]() |
Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch HĐTV Agribank
Ông có thể cho biết, quan điểm của Agribank về vụ án Lifepro?
Ngày 19/9/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã khởi tố vụ án: Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank. Vụ việc đã ảnh hưởng lớn đến tài sản, con người và uy tín của Ngân hàng, đến nay, Agribank đã từng bước khắc phục được hậu quả của vụ việc.
Trong quá trình điều tra vụ án, Agribank đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, đến nay Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có cáo trạng quyết định truy tố bị can. Thời gian tới Tòa án nhân dân sẽ xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
Về việc từng bước khắc phục hậu quả, ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Sau khi vụ việc xảy ra, Agribank đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Bộ chủ quản) và chủ động, tích cực xử lý hậu quả, cụ thể:
Đã thành lập các đoàn công tác tổ chức quản lý, bảo vệ tài sản là nhà máy và các máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu. Phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra đánh giá, niêm phong và quản lý toàn bộ tài sản.
Chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Đến nay đã thu hồi và xử lý rủi ro được 2.947 tỷ đồng (trong đó thu hồi 5,39 tỷ đồng), dư nợ nội bảng còn 235 tỷ đồng. Giá trị nhà máy theo định giá của cơ quan cảnh sát điều tra là 624 tỷ đồng. Agribank đang xúc tiến bán tài sản để thu hồi nợ. Góc độ tài chính đã cơ bản khắc phục, dư nợ nội bảng còn 235 tỷ đồng, tài sản bảo đảm có thể xử lý thu hồi 624 tỷ đồng.
"Tội phạm quốc tế trong quá trình hội nhập cũng là một tất yếu với các thủ đoạn tinh vi. Đây không chỉ là bài học cho Agribank mà cho các ngân hàng khác, các nhà quản lý"
Về xử lý trách nhiệm cá nhân: Trước khi khởi tố vụ án, Agribank đã kiểm điểm và xử lý các cán bộ có liên quan đến vụ việc. Toàn bộ cán bộ có liên quan đều bị kỷ luật như cách chức, miễn nhiệm chức vụ. Ngoài những cá nhân bị khởi tố, truy tố trong cáo trạng, theo đề nghị của Agribank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã điều chuyển công tác, đình chỉ giữ chức vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên, 3 thành viên Hội đồng thành viên.
Vậy, giải pháp phòng ngừa (quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả quản lý...) được Agribank đặt ra như thế nào sau vụ Lifepro?
Sau vụ Lifepro xảy ra và trên cơ sở thực tế hoạt động của Ngân hàng, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, cụ thể: Một là, Agribank đã thuê công ty kiểm quốc tế đánh giá và thực hiện xây dựng dự án quản trị rủi ro toàn diện của Agribank (hoàn thành đầu năm 2013). Hai là, rà soát lại quá trình chuyển tiền ra nước ngoài của Công ty Liên doanh Lifepro để đánh giá rủi ro đối với nghiệp vụ chuyển tiền quốc tế cũng như trong quan hệ với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Ba là, trên cơ sở Dự án quản trị rủi ro toàn diện, Đề án tái cơ cấu Agribank của Ngân hàng Nhà nước đã kiện toàn Hội đồng thành viên, Ban điều hành, tổ chức lại mô hình tại Trụ sở chính như kiện toàn Ban kiểm soát và Bộ phận kiểm toán độc lập, thành lập các Ủy ban thuộc Hội đồng thành viên, thành lập một số đơn vị thuộc Ban điều hành.
Bốn là, ban hành mới hầu hết các cơ chế về quản trị, điều hành và quy chế nghiệp vụ cấp tín dụng. Ban hành quy định, quy trình cho vay; quy định về phân cấp quyết định cấp tín dụng; quy định về hội đồng tín dụng; quy định về đảm bảo tiền vay... Quy chế nghiệp vụ, cơ chế quản trị điều hành theo hướng rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, xác định trách nhiệm giữa trụ sở chính với chi nhánh, nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của trụ sở chính đối với hoạt động của chi nhánh.
Đến nay Agribank đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu Đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hệ thống kiểm tra, kiểm soát được hoàn thiện, tỷ lệ nợ xấu còn 2,5%, tài chính ổn định và đặc biệt Ngân hàng đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy hoạt động của ngân hàng bên cạnh các quy trình quản lý chặt chẽ còn là câu chuyện nhân sự. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này tại Agribank giai đoạn hiện nay?
Hoạt động ngân hàng là lĩnh vực đặc biệt, yếu tố con người có tính chất quyết định đến thành công hay thất bại của một ngân hàng. Cán bộ ngân hàng ngoài nghiệp vụ ngân hàng phải nắm được quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt phải có đạo đức nghề nghiệp.
Qua vụ việc xảy ra tại Công ty Lifepro và một số vụ việc xảy ra tại một số ngân hàng gần đây càng minh chứng về vai trò của yếu tố con người trong hoạt động ngân hàng.
Gần đây, Agribank đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều quy định liên quan đến công tác tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, quy chế đối với người đứng đầu. Các quy định như con, em không cùng làm lãnh đạo tại một đơn vị, cấp trưởng một vị trí không kéo dài quá hai nhiệm kỳ đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc.
Bên cạnh công tác bổ nhiệm, công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu, được tăng cường. Kiên quyết không bổ nhiệm, không bổ nhiệm lại những người hạn chế năng lực; miễn nhiệm, cách chức những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định pháp luật, quy định nội bộ của Agribank.
Nhiều ý kiến cho rằng vụ Lifepro không chỉ là bài học đối với riêng Agribank. Nhận định của ông như thế nào?
Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam là công ty có vốn nước ngoài do các cá nhân nước ngoài sở hữu. Việc quan hệ với công ty có vốn đầu tư nước ngoài và các giao dịch thương mại quốc tế là tất yếu trong quá trình hội nhập. Tội phạm quốc tế trong quá trình hội nhập cũng là một tất yếu với các thủ đoạn tinh vi. Đây không chỉ là bài học cho Agribank mà cho các ngân hàng khác, các nhà quản lý.
Vụ án sắp kết thúc nhưng kẻ chủ mưu, kẻ chiếm đoạt tài sản là cá nhân người nước ngoài vẫn ngoài vòng pháp luật. Để thu hồi vốn cho nhà nước, Agribank đề nghị cơ quan có chức năng tiếp tục truy tìm những bị can là người nước ngoài đã có quyết định khởi tố của cơ quan tố tụng Việt Nam.
Theo Đầu tư