GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. |
Đây là khẳng định của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong cuộc trao đổi với báo giới mới đây về thu hút dòng vốn FDI. Ông nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần có những hành động nhanh chóng để tháo gỡ "điểm nghẽn", đón được làn sóng FDI rời khỏi Trung Quốc.
Nhìn vào bức tranh thu hút FDI năm 2020, cũng như cả giai đoạn 5 năm qua, ông có bình luận gì?
Năm 2020 dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vốn FDI thực hiện chỉ giảm 2,5% so với 2019.
Tổng kết lại sau 5 năm (từ năm 2016 - 2020), vốn FDI thực hiện được 100 tỷ USD, một con số rất đáng quan tâm. Bởi vì trong gần 35 năm (từ năm 1987 đến 2020), tổng vốn thực hiện chỉ 265 tỷ USD, nhưng giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) chúng ta đã đạt hơn 100 tỷ USD vốn thực hiện.
Chính vì vậy, khi đánh giá FDI thì chúng ta phải đánh giá, quy mô vốn thực hiện đã gia tăng rất mạnh, nhanh và có ý nghĩa lớn.
Tuy nhiên, vẫn còn những mặt trái trong thu hút FDI như chuyển giá, trốn thuế, môi trường, tranh chấp lao động... Đây là những yếu tố đã được nhắc tới khá nhiều.
Cùng với đó, tôi cho rằng vẫn còn nhược điểm lớn trong thu hút FDI như thời gian qua có quá nhiều dự án FDI nhỏ, kể cả ở TP.Hà Nội và TP.HCM. Quy mô rất quan trọng, chất lượng FDI thường gắn với quy mô vốn, có thể nói quy mô càng lớn, chất lượng càng cao, nhưng đáng tiếc, trong nhiều năm qua, quy mô ngày càng giảm.
Trước đây, chúng ta có bình quân 8 - 10 triệu USD/dự án, đến nay là 5 - 6 triệu USD/dự án. Trong tổng kết thu hút FDI, người ta không quan tâm nhiều lắm đến điều này, nhưng riêng tôi rất đau đáu chuyện này vì nó ảnh hưởng đến chiến lược, quy hoạch và đất đai.
Cũng có ý kiến cho rằng không thể cứ thu hút "đại bàng", mà không chú ý đến "chim sẻ". Nhưng hiện nay, đó lại là câu chuyện giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Nếu 10 năm trước, khi doanh nghiệp trong nước chỉ có 300.000 - 400.000 doanh nghiệp, nhất là trước năm 2000, doanh nghiệp tư nhân mới có vài chục nghìn, thì chuyện đầu tư FDI rất quan trọng. Chúng ta cần dự án nhỏ để thâm dụng lao động, nhưng bây giờ chúng ta có 700.000 đến 800.000 doanh nghiệp. Trong đó có cả những doanh nghiệp lớn và khá lớn với quy mô doanh số hàng trăm tỷ USD, vậy dại gì để những dự án 1-2 triệu USD từ doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư.
Chúng ta có thể thu hút các DN FDI vừa và nhỏ, nhưng chỉ giới hạn một số ngành như Fintech, trí tuệ nhân tạo hoặc dịch vụ hiện đại, còn sản xuất thì không nên.
Việt Nam đang được đánh giá là có cơ cơ hội rất lớn để đón làn sóng FDI dịch chuyển đang diễn ra, với ông cơ hội này được nhìn nhận ra sao trong năm 2021?
Đúng là hiện nay đang có làn sóng vốn FDI chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch COVID-19, trong đó Mỹ muốn các doanh nghiệp rút về Mỹ, Nhật muốn doanh nghiệp rút về Nhật. Nhưng nhiều lắm, chỉ khoảng 10% số doanh nghiệp quay trở về, một số chuyển ra các nước khác từ 3-5%. Số còn lại chiếm khoảng 85% DN có lẽ vẫn ở lại Trung Quốc.
Việt Nam hãy bàn đến 3-5% số DN rời Trung Quốc kể trên, bởi hiện nay Trung Quốc có vốn FDI thực hiện cỡ 2.000 tỷ USD, 3-5% tương đương khoảng 60 - 100 tỷ USD. Chúng ta bàn đến chỗ này thôi, chứ đừng ảo vọng bàn con số quá lớn từ Trung Quốc.
Đặc biệt, muốn thu hút được "đại bàng" vào Việt Nam, chúng ta phải biết ai đang cạnh tranh với Việt Nam. Theo tôi đó là Ấn Độ, Indonesia...
Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố thu hút 1.000 "đại gia" vào nước này, trực tiếp hỗ trợ tài chính với giá trị hàng nghìn tỷ USD, ngoài ưu đãi của liên bang, còn ưu đãi của các bang. Đặc biệt, công nghệ của Ấn Độ và đội ngũ kỹ sư của Ấn Độ nhiều hơn Việt Nam, chi phí nhân công cũng thấp hơn Việt Nam...
Bên cạnh đó là Indonesia, Tổng thống nước này đã đứng ra trực tiếp chỉ đạo, bắt buộc các Bộ phải cải thiện môi trường đầu tư, bản thân ông ấy trực tiếp phê chuẩn các dự án từ 70 triệu USD trở lên chỉ trong 1 ngày.
Như vậy là sự cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng khốc liệt. Vậy muốn đón được dòng vốn này thì Việt Nam phải làm thế nào, thưa ông?
Muốn thu hút được làn sóng FDI dịch chuyển, chúng ta phải có quỹ đất, chỉ đạo các khu công nghiệp chuẩn bị đất để đón nhà đầu tư.
Đồng thời, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay các nước rất quan tâm. Tôi thấy hiện nay chất lượng lao động và chuyên gia Việt Nam có nhiều cải thiện. Samsung đánh giá năng suất lao động của Việt Nam không kém gì Hàn Quốc, tiền lương chỉ bằng 1/3 của Hàn Quốc. Hay với Intel, họ nói người Việt đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu, trình độ nghiên cứu và phát triển của kỹ sư Việt Nam rất tốt, không chỉ chế tạo sản phẩm trong nước mà còn xuất khẩu.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà Việt Nam cần phải cải thiện đó là nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về sở hữu trí tuệ. Đây là yếu tố rất quan trọng đối với các nước phát triển, những nhà tư bản, tài phiệt lớn để cân đo, đong đếm khi đầu tư vào một nước.
Với Việt Nam, chúng ta có thị trường nhỏ nên phải khắc phục yếu tố sở hữu trí tuệ. Chừng nào chúng ta còn sử dụng hàng lậu, phần mềm không bản quyền thì khó có thể thu hút được các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào đây. Gần đây, khi Việt Nam ký bảo hộ đầu tư với EU (EVIPA) và CPTPP, sở hữu trí tuệ được đặt lên hàng đầu và là yêu cầu cực kỳ quan trọng đối với quan hệ thương mại, đầu tư song và đa phương.
Cần lưu ý rằng, sở hữu trí tuệ của Việt Nam yếu kém không phải do luật pháp. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá luật pháp về sở hữu trí tuệ của Việt Nam rất tốt, nhưng cái yếu nhất là do thực thi, do con người. Muốn "đại bàng" lớn vào đây thì câu chuyện sở hữu trí tuệ phải được giải quyết thỏa đáng.
Cùng với đó, thuế rất quan trọng nhưng với các nhà đầu tư, thứ còn quan trọng hơn chính là thời gian. Không nhà đầu tư nước ngoài nào muốn vào Việt Nam mà phải để chờ một năm mới khai trương nhà máy, bị thủ tục hành chính, vấn nạn tham nhũng vặt cản trở trở. Do vậy, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư là yêu cầu quan trọng để Việt Nam đón "đại bàng" trong thời gian tới.
Lê Thúy (ghi)