Nhận định trên được ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đưa ra khi trao đổi với Thời báo Kinh doanh.
![]() |
Động thái Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ trong thời gian qua liệu có làm thay đổi tâm lý các nhà đầu tư?
Khi chiến tranh tiền tệ xảy ra thì hiệu ứng xấu cho nền kinh tế. Thực tế khi Trung Quốc phá giá đồng tiền, các nước cũng đua nhau phá giá. Nếu tiền đồng không có giá trị nữa, nhà đầu tư sẽ nhắm vào đâu để giữ được giá trị tiền đồng và có lời?
Ta thấy rõ phản ứng rất nhanh là giá vàng tăng, nhà đầu tư đổ xô mua vàng. Nhà đầu tư cũng có thể trốn vào bất động sản bởi hiện thị trường chứng khoán đang chao đảo nên đây không phải là kênh tốt.
Và tất nhiên, cũng sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, nhưng theo hướng thế nào cần phải phân tích kỹ. Liệu chiến tranh tiền tệ có xảy ra hay không và hiệu ứng có lan truyền hay không?
Có thể trước mắt, nhập khẩu và xuất khẩu sử dụng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sẽ tốt. Nhưng về lâu dài chưa chắc đã tốt, khi mua nguyên vật liệu từ Trung Quốc giá rẻ, đàm phán giá cả tốt hơn, lãi suất cao hơn thì nhà đầu tư sẽ nhập nhiều. Cần phải tính toán cụ thể từng ngành xuất khẩu, để có chính sách điều chỉnh cho phù hợp.
Việt Nam đang là một trong những nước có nhiều lợi thế trong ASEAN thu hút vốn đầu tư tư Trung Quốc. Liệu dòng vốn này có bị ảnh hưởng bởi đồng NDT phá giá?
Việt Nam có thế mạnh thu hút FDI vì nước ta có sự ổn định lớn. Mặc dù chính sách thay đổi nhiều nhưng xu hướng thì mình càng ngày càng ổn định, cởi mở hơn và nhà đầu tư nước ngoài ngoài họ cần như vậy. Đầu tư trực tiếp yêu cầu xây dựng nhà máy, thiết bị, máy móc, làm ra sản phẩm… nên họ rút ra không phải dễ và một môi trường ổn định là cần thiết.
Tuy nhiên, khi đồng nhân dân tệ phá giá thì chi phí đầu tư tại đây sẽ rẻ hơn, như giá lao động giảm, giá nguyên vật liệu khai thác từ Trung Quốc cũng giảm, giá dịch vụ cung cấp nhà sản xuất cũng giảm, thuế phí cũng giảm…
Điều này không những mang lại lợi thế cho xuất khẩu, mà còn là lợi thế cho các DN đang đầu tư ở Trung Quốc. Khi các chi phí giảm thì vốn đầu tư cũng giảm, quá trình sản xuất tạo ra giá thành sản phẩm giảm thì các nhà đầu tư tại nước này sẽ được lợi.
Tuy nhiên, mặt trái của việc phá giá đồng NDT cho thấy sự bất ổn định kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Nếu nước này phá giá đồng tiền liên tục, quỹ dự trữ của Trung Quốc sẽ giảm và ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng sẽ cân nhắc yếu tố này.
Song có thể thời gian tới, làn sóng của nước ngoài vào Trung Quốc sẽ tăng lên, và các nhà đầu tư có thể nghiên cứu là có nên đầu tư vào Trung Quốc hay không.
Trong bối cảnh đó, cũng có hàng loạt các quốc gia trong khu vực đang cạnh tranh thu hút FDI, cũng đang phá giá đồng tiền… Như vậy, các nước sẽ có lợi thế trong thu hút FDI, khi chi phí đầu tư giảm theo, thì sẽ làm cho thu hút đầu tư tăng lên.
Do đó, nếu đồng nội tệ của mình vẫn giữ, thì không những giảm xuất khẩu, mà khi chi phí nhân công tăng, chi phí trực tiếp cho sản xuất nguyên liệu đầu vào cũng tăng, thì sẽ là bất lợi cho đầu tư. Vấn đề là mình xử lý linh hoạt thôi.
Nếu như vậy thì việc đồng NDT giảm giá có tác động tiêu cực nhiều hơn vào hoạt động đầu tư?
Tôi cho rằng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam có khả năng sẽ tăng. Vì khi đưa máy móc, nguyên phụ liệu sang, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi khi giá trị đầu tư giảm hơn, suất đầu tư giảm hơn.
Hiện Trung Quốc đang muốn đầu tư vào dệt sợi ở Việt Nam để đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại. Nên việc đồng NDT phá giá có thể kích thích nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, trong đó có Việt Nam.
Một số các tác động khác như Việt Nam đang tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định như TPP, FTA với EU và nhiều nước, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… sẽ tạo nên sự cộng hưởng thu hút đầu tư. Như vậy khả năng thu hút đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sẽ tăng.
Xem ra bài toán thu hút vốn FDI chất lượng cao ngày càng thách thức hơn?
Việt Nam là nước đang phát triển và trong giai đoạn chuyển đổi. Song nền kinh tế lại đang chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc, nên việc tận dụng quan hệ đa phương là cần thiết.
Vấn đề là điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, thu hút đầu tư sao cho linh hoạt, để chúng ta dần dần tháo gỡ. Chúng ta đang tham gia nhiều hiệp định thương mại, nên cần tận dụng cơ hội hội nhập để giảm sự lệ thuộc Trung Quốc. Đây là thách thức song nếu ta biết tận dụng thì có thể là cơ hội.
Cẩm An thực hiện