Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong tháng 8/2020 tiếp tục tăng trưởng cao, đạt sản lượng 605.566 tấn, kim ngạch 304,33 triệu USD, giá trung bình 502,6 USD/tấn, tăng 26,3% về lượng, tăng 31% kim ngạch và tăng 3,8% về giá so với tháng 7.
Chất lượng gạo của Việt Nam đã được cải thiện trong thời gian gần đây nên các nhà nhập khẩu tiếp tục thu mua với giá cao và sản lượng ngày càng tăng lên. |
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,61 triệu tấn gạo, kim ngạch trên 2,25 tỷ USD, giá trung bình 489,2 USD/tấn, tăng cả về lượng, giá và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, với mức tăng tương ứng 0,6%, 13% và 12,4%.
Trong tháng 8, các thị trường tăng trưởng mạnh so với tháng 7 gồm: Senegal tăng 176,9% về lượng, tăng 104,9% về kim ngạch, đạt 670 tấn, giá trị 0,27 triệu USD; Hà Lan tăng 84,8% về lượng, tăng 103,8% về kim ngạch, đạt 730 tấn, giá trị 0,43 triệu USD; Philippines tăng 86,7% về lượng, tăng 102% về kim ngạch, đạt 222.866 tấn, giá trị 109,35 triệu USD; Pháp tăng 103,2% về lượng, tăng 80,8% về kim ngạch, đạt 191 tấn, giá trị 0,11 triệu USD.
Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo nhiều nhất sang thị trường Philippines, với 1,72 triệu tấn, kim ngạch 797,61 triệu USD, giá trung bình 464,2 USD/tấn, giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 10,9% về kim ngạch và tăng 13,7% về giá so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 37,3% tổng lượng gạo xuất khẩu và 35,4% tổng kim ngạch.
Thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc đạt 536.191 tấn, kim ngạch 316,93 triệu USD, giá trung bình 591 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 82,5% về kim ngạch và tăng 18,2% về giá so với cùng kỳ, chiếm gần 11,6% tổng lượng và 14,1% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.
Đứng thứ ba là thị trường Malaysia đạt 450.444 tấn, kim ngạch 192,36 triệu USD, giá 427 USD/tấn, tăng 9% về lượng, tăng 10% về giá và tăng 19,9% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm gần 9,8% tổng lượng và chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm có tới 65% số thị trường tăng kim ngạch so cùng kỳ năm trước. Một số thị trường mạnh là: Tây Ban Nha tăng 220% về lượng và tăng 277% về kim ngạch, đạt 1.347 tấn, giá trị 0,73 triệu USD; Senegal tăng 245,6% về lượng và tăng 255,3% về kim ngạch, đạt 42.061 tấn, giá trị 14,98 triệu USD; Indonesia tăng 132,5% về lượng và tăng 193,9% về kim ngạch, đạt 64.943 tấn, giá trị 36,21 triệu USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) ngày càng có triển vọng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo sang EU đạt trên 15,8 nghìn tấn, giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Chỉ tính riêng từ ngày 4 - 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm. Dự kiến, xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm tiếp tục tăng cho dù đang phải chịu tác động từ dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, chất lượng gạo của Việt Nam đã được cải thiện trong thời gian gần đây khiến cho các nhà nhập khẩu tiếp tục thu mua với giá cao và sản lượng ngày càng tăng lên. Với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp thương mại gạo Việt Nam đang có cơ hội đẩy tăng sản lượng lẫn giá xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần đây liên tục tăng, loại gạo 5% tấm đã có thời điểm trong tháng 8 vượt giá gạo Thái Lan, vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam có giá cao hơn gạo Thái Lan đến 20 USD/tấn.
Đ.N