Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết tính đến đầu quý IV, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá bắt đầu chịu ảnh hưởng khi khó khăn kinh tế ở các nước phát triển ngày càng trầm trọng. Lạm phát ở châu Âu ở mức cao, sức mua giảm sút rõ rệt ở hai thị trường lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ và châu Âu khi người dân tập trung cho nhu cầu chi tiêu lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu thay vì các mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam có thế mạnh.
![]() |
Thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường. |
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may và da giày như Hoa Kỳ, châu Âu giảm rõ rệt (châu Âu giảm 60%, Hoa Kỳ giảm 30-40%). Lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%. Từ quý IV, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu không có đơn hàng mới.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân là do lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước. Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.
Theo Bộ Công Thương, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng NDT giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, tạo sự cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam cả về giá cả, thị phần ngay trên thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đông Á, đặc biệt làm gia tăng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc.
"Thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Hoa Kỳ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế; thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… bị thu hẹp, dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%)", Bộ Công Thương đánh giá.
Thêm vào đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như: EU, Hoa Kỳ… đang phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; các thị trường khu vực châu Âu dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh… khiến doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 3,3% mỗi năm của thập kỷ trước đại dịch, nhiều khó khăn, thách thức từ những năm 2022 vẫn còn kéo dài và chưa thể kết thúc sớm, các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… vẫn tiếp tục tập trung xử lý những khó khăn nội tại của mình và chỉ có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý IV/2023.
Nhìn chung, Bộ Công Thương đánh giá áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023 đến từ cả 3 kênh: Kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng giảm sút, tổng cầu giảm, tác động đến xuất khẩu; Kênh đầu tư quốc tế khi lãi suất thế giới tăng khiến dòng vốn chảy ra bên ngoài, tạo ra sự giảm sút về giá trị đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Kênh tài chính tiền tệ tạo ra áp lực mất giá đối với đồng tiền Việt Nam, khiến cho nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao hơn và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
L. Thúy