Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục chậm lại trong 2 tháng đầu năm 2023.
Bộ Công Thương cho rằng, cần đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. |
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Chỉ ra nguyên nhân từ các yếu tố bên ngoài, Bộ Công Thương cho biết cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam.
Đáng chú ý, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia có những mặt hàng xuất khẩu tương đồng, trong đó có Việt Nam.
Ở trong nước, các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Nhận định tình hình trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng có những cơ hội mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nắm bắt, đó là việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đang là cơ hội cho Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các ngành sản xuất công nghệ cao đang hướng về khu vực các nước châu Á.
Việt Nam cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ của các nước phát triển trong việc chuyển đổi năng lượng, thay đổi nền sản xuất hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu dùng.
Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức như kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực và rất khó đoán định khiến đầu tư giảm và gián đoạn, niềm tin của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
"Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cộng với việc một số địa bàn xuất khẩu trọng điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại đối với Trung Quốc làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...", Bộ Công Thương đánh giá.
Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương cho rằng cần đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới và tranh thủ việc xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm dịch COVID-19.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Cùng với đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh cần tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
Nhật Linh