Xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đạt gần 4,2 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2022, dù sản lượng giảm so với cùng kỳ nhưng trị giá lại đạt mức chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm nhờ giá cà phê tăng cao.
Tồn kho thế giới thấp kỷ lục, đẩy giá cà phê tăng mạnh
Trong báo cáo về thị trường cà phê phát hành cuối tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn kho cà phê thế giới đang ghi nhận ở mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Vào niên vụ 2022/2023, tồn kho chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm 16,7% so với báo cáo trước và 4% so với con số ước tính cho niên vụ.
Trong những dự báo cho năm 2024, nhiều chuyên gia, tổ chức đều cho rằng tình hình thiếu hụt cà phê sẽ tiếp tục tái diễn do nhiều nguyên nhân.
Các nguồn cung lớn ở khu vực Đông Nam Á đang có sự sụt giảm về sản lượng do điều kiện thời tiết không thuận lợi, hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp và giá cà phê thấp những năm gần đây khiến nông dân chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Dự báo sản lượng cà phê Robusta ở Việt Nam có thể giảm 3,8 triệu bao và Indonesia giảm 2,15 triệu bao.
Cà phê đứng top 5 trong nhóm hàng ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm 2023. |
Không chỉ vậy, tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil, dự báo nắng nóng tiếp tục đe dọa triển vọng nguồn cung cà phê của cả niên vụ 2023/2024 và 2024/2025. Hệ thống Tài nguyên Nước và Khí tượng Minas Gerais (Simge) cho biết nhiệt độ trung bình trong quý I/2024 tại vùng trồng cà phê chính của nước này có thể cao hơn 2 độ C so với bình thường, làm chậm sự phát triển và ra quả của cây cà phê. Cùng với đó là tồn kho hiện đang ở mức thấp, khiến nông dân Brazil lo lắng về nguồn cung, hạn chế bán hàng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 sẽ đạt 171,4 triệu bao, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở mức kỷ lục 169,5 triệu bao và đảm bảo tồn kho cho thời gian tới.
Căng thẳng nguồn cung toàn cầu đã đẩy giá cà phê xuất khẩu của thế giới lên rất cao. Vào ngày 28/12/2023, giá cà phê Arabica đã chạm mốc 4.365 USD/tấn, giá cà phê Robusta cũng đã tăng lên mức 2.936 USD/tấn. So với thời điểm chỉ hai tháng trước đó, tức cuối tháng 10, giá cà phê Arabica đã tăng hơn 700 USD/tấn, giá cà phê Robusta tăng hơn 400 USD/tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá cà phê xuất khẩu được cho là sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh mới trong năm 2024.
Tại thị trường nội địa Việt Nam, giá cà phê cũng liên tục được đẩy lên đến mức chưa từng có và tăng theo từng ngày. Trong tháng 12 vừa qua, giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Nam bộ liên tục dao động trong mức từ 67.000 - 70.000 đồng/kg, cao hơn giá trung bình tháng 11/2023 khoảng 8.000-10.000 đồng/kg và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ dao động trong khoảng từ 38.600 - 39.300 đồng/kg).
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết: "Đã qua rồi cái thời giá cà phê nội địa 30.000 - 40.000 đồng/kg. Xu hướng giá cà phê Việt Nam trong năm 2024 và các năm sau này sẽ tiếp tục duy trì mức 60.000 - 70.000 đồng/kg. Một trong những bằng chứng cho việc này là hiện đang vào cao điểm vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam nhưng giá cà phê vẫn ở mức cao kỷ lục, trong khi thông thường các năm trước giá cà phê giảm mạnh vì nguồn cung dồi dào".
Cơ hội cho cà phê Việt
Về thị trường thế giới trong năm 2024, các chuyên gia nhận định cầu tăng trong khi nguồn cung chưa thể cải thiện. Triển vọng tại Brazil vẫn chưa mấy khả quan khi tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài. Indonesia cũng cho biết sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành cho xuất khẩu khoảng 5 triệu bao cà phê hạt, giảm tới 35,02% so với niên vụ trước.
Nguồn cung thiếu hụt sẽ tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu cà phê lớn còn lại như Việt Nam. Trên thực tế, trong những tháng cuối năm 2023 vừa qua, ngay khi Brazil hạn chế xuất khẩu thì giá cà phê đã được đẩy lên cao kỷ lục, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 dù giảm tới 9,6% so với năm 2022 nhưng kim ngạch lập kỷ lục lịch sử đạt gần 4,2 tỷ USD. Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, cà phê xếp top 5 trong nhóm hàng ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm.
Do vậy, năm 2024, Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục có lợi thế về thị phần và đặc biệt là giá cả khi các chuyên gia dự báo giá cà phê thế giới vẫn duy trì ở mức cao và còn có thể tiếp tục lập đỉnh mới.
Bà Vanúsia Nogueira, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) khẳng định, trong năm 2024, nhu cầu của thế giới về cà phê Robusta vẫn tăng cao và Việt Nam là nước có lợi thế hơn Brazil trong 6 tháng tiếp theo
Ngay ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đã cho biết đơn đặt hàng liên tục đổ về. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh thông tin, doanh nghiệp đang không đủ người để tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam.
Theo ông Thông, cà phê Việt Nam trước kia không được đánh giá cao, bị coi là chất lượng thấp nên giá bán không cao. Nhưng giờ đây, cà phê của Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu trong phân khúc cà phê Robusta. Nhu cầu nhập khẩu cà phê Robusta của châu Âu được cho là gần như hoàn toàn trông cậy vào cà phê Robusta của Việt Nam, ít nhất là từ nay đến hết tháng 4/2024.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, ông Đỗ Hà Nam cũng nhấn mạnh: "Chưa bao giờ ngay từ đầu vụ mà giá cà phê cao như hiện tại. Điều này phản ánh nhu cầu của thị trường đang rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt. Nếu xét về vụ mùa ở các nước xuất khẩu khác thì Việt Nam vẫn sẽ một mình một chợ cho đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024, các nước Indonesia và Brazil mới vào vụ thu hoạch. Vì vậy, có thể nói niên vụ cà phê 2023/2024 của Việt Nam là tốt nhất lịch sử".
Cơ hội hiện hữu đang là rất lớn, tuy nhiên phải làm sao để tiếp tục tận dụng cơ hội và gia tăng xuất khẩu là vấn đề mà doanh nghiệp trong ngành quan tâm. Theo các chuyên gia kinh tế, không cần lo lắng về thị phần, giá cả mà nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như quy định chống mất rừng (EUDR) của EU; tiêu chuẩn của Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA); chứng nhận HACCP, GlobalGAP; sản xuất xanh… để xuất khẩu được bền vững.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam nhận định: "Cục diện cà phê đã đảo ngược và thế giới đang phụ thuộc vào nguồn cung cà phê từ Việt Nam. Dù sản lượng giảm, nhưng giá tăng mạnh và gấp đôi những năm trước nên chúng ta không lo kim ngạch xuất khẩu giảm mà cần tập trung vào chất lượng, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị. Tôi tin rằng kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2024 sẽ đạt mức khả quan từ mức năm 2023 trở lên".
Bích Tâm