Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang xây dựng gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc. Gian hàng Quốc gia Việt Nam sẽ là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Rút ngắn quãng đường
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tham gia gian hàng này, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình.
Tháng 12 tới đây, nhiều nhãn hàng sẽ xuất hiện tại gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc. |
Đánh giá về tiềm năng phát triển tại thị trường Trung Quốc, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, cho biết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt 133 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 50 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của Trung Quốc đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ thị trường nước ngoài qua kênh thương mại điện tử đạt 570 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 16,5%.
Về tiêu dùng online, số liệu thống kê cho thấy, riêng trong lễ hội độc thân tại Trung Quốc năm 2021, khối lượng giao dịch trong suốt ngày độc thân tăng hơn hẳn đạt tổng cộng 349,1 tỷ nhân dân tệ (54,6 tỷ USD), tăng 28% so với mức 271,5 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Có tới 31 nhãn hàng có doanh thu vượt 1 tỷ nhân dân tệ/nhãn hàng (156,4 triệu USD); 43.276 nhà bán hàng có doanh số tăng trên 200%, các nhãn hàng nhỏ tăng gấp 5 lần.
Thông qua Gian hàng quốc gia, hàng Việt Nam sẽ phân phối sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng, không qua nhập khẩu trung gian, điều này có thể phát triển được thương hiệu. Đồng thời sau 1-3 ngày hàng Việt Nam tới Trung Quốc sẽ được giao đến người tiêu dùng cuối cùng.
Đặc biệt, một trong những lợi thế khi xuất khẩu trực tuyến qua Trung Quốc là vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ cũng như các thủ tục hành chính phức tạp.
JD là tập đoàn kinh doanh thương mại điện tử có quy mô lớn thứ 2 tại Trung Quốc (sau Alibaba), là tập đoàn bán lẻ quy mô lớn nhất bao gồm các hình thức tự kinh doanh và siêu thị - thương mại điện tử B2C - hệ thống cửa hàng của riêng JD. Ngoài ra, JD có hệ thống logistics do chính JD đầu tư vận hành là một trong những hệ thống có độ phủ lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc hiện nay.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, việc thông qua các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới sẽ giúp hàng Việt Nam thâm nhập vào các thị trường thế giới một cách nhanh và ít chi phí hơn… Đây là hướng đi triển vọng trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty CP thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), đánh giá việc xúc tiến triển khai kênh bán hàng xuyên biên giới trên JD.com sẽ tạo ra một sân chơi mới, không kém thách thức nhưng cũng chứa đầy những cơ hội cho các doanh nghiệp Việt muốn hướng tới thị trường tỷ dân, là bàn đạp đưa các sản phẩm Việt có chất lượng cao tiếp cận nhanh hơn tới khách hàng, nhà nhập khẩu Trung Quốc...
Làm thế nào để tăng tính cạnh tranh?
Dự kiến, tháng 12 tới đây, Gian hàng Quốc gia Việt Nam sẽ chính thức vận hành trên nền tảng sàn thương mại điện tử JD.com. Tuy vậy, làm thế nào để hàng Việt có khả năng cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc cũng như Thái Lan, Indonesia...
Về băn khoăn trên, chia sẻ với VnBusiness, bà Hằng cho biết trước mắt hơn 10 nhãn hàng nông sản thế mạnh tại Việt Nam với số lượng 20 - 30 sản phẩm sẽ xuất hiện trên gian hàng Quốc gia Việt Nam vào tháng 12. Đây là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đặc sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, điều bà Hằng lo ngại nhất là hiện nay chi phí logistics của Việt Nam vẫn đang là bài toán nan giải, làm đội giá thành sản phẩm. Chi phí vận tải từ Việt Nam ra thị trường nước ngoài đắt hơn từ 3-4 lần so với hàng của các nước trong khu vực.
"Do vậy chúng tôi đang phối hợp với các nhà cung ứng để đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm, áp dụng cách thức bảo quản bằng công nghệ hiện đại để vận chuyển sản phẩm sang Trung Quốc bằng đường biển nhằm tiết giảm chi phí logistics", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam qua thị trường Trung Quốc thông qua kênh thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam học hỏi được cách phát triển hệ thống logistics một cách đồng bộ, để đưa sản phẩm ra thị trường nhiều nước.
Trong khi đó, về phía đơn vị vận chuyển, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viettel khẳng định sẽ đầu tư phát triển phương tiện vận chuyển và hạ tầng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh nhằm kéo giảm chi phí logistics cho hàng Việt.
Theo ông Sơn, khó khăn nhất khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thông qua kênh thương mại điện tử là doanh nghiệp vận chuyển phải hỗ trợ đơn vị sản xuất hoàn thiện các thủ tục về hợp quy, hợp chuẩn cho sản phẩm theo yêu cầu của từng thị trường.
Còn theo ông Bùi Huy Hoàng, muốn nâng cao cạnh tranh thì sản phẩm của Việt Nam phải đạt chất lượng, đáp ứng được các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, doanh nghiệp phải có đủ năng lực về nguồn tài chính và nhân lực để kinh doanh thương mại điện tử.
Để lựa chọn sản phẩm đưa lên Gian hàng Quốc gia Việt Nam, ông Hoàng cho biết khi đưa sản phẩm sang Trung Quốc thì sẽ đánh giá khả năng tiêu thụ, đối tượng khách hàng để tính tới bài toán hiệu quả.
Tuy nhiên, trao đổi với VnBusiness, ông Hoàng lưu ý điểm cần cải thiện của hàng Việt là cần nâng cao chất lượng về bao bì, thương hiệu sản phẩm. Làm sao phải thiết kế bao bì bắt mắt gắn với câu chuyện đằng sau sản phẩm. "Chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà phải quảng bá cả văn hoá, quá trình sản xuất ở bên Việt Nam tới người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp sản phẩm Việt Nam hấp dẫn người tiêu dùng nước ngoài", Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số nhấn mạnh.
Thy Lê