Ngày 23/6, tỉnh Hải Dương đã xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Nhật Bản. Đợt này, CTCP Ameii Việt Nam sẽ thu mua, xuất khẩu sang Nhật khoảng 1,2 tấn vải thiều của xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Hà.
Vải sau khi thu hái xong được chuyển về Công ty Ameii đóng gói và sơ chế, chuyển lên Bắc Giang xử lý Methybromide và ngày 24/6 lên đường sang Nhật Bản bằng đường hàng không, dự kiến sau 7 tiếng sẽ có mặt tại thị trường này.
Vải Thanh Hà đã mang lại nguồn thu khoảng 900 tỷ đồng |
Năm nay, bên cạnh các thị trường truyền thống, trái vải Hải Dương chinh phục thêm 2 thị trường mới, rất khó tính là Nhật Bản và Singapore.
Ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT CTCP Ameii Việt Nam cho biết, chuyến vải này là chuyến thứ 4 của Công ty xuất sang Nhật. Đây cũng là thị trường rất tiềm năng và trái vải của Việt Nam được người tiêu dùng Nhật rất yêu thích.
Trước đó, CTCP Ameii Việt Nam cũng đã xuất khẩu 60 tấn vải sang Singapore và 50% trong số đó là vải Hải Dương. Toàn bộ số lượng vải đều đạt tất cả các tiêu chí về an toàn thực phẩm của Singapore đặt ra.
Theo đại diện UBND xã Thanh Thủy, trên địa bàn xã hiện có trên 340ha vải, trong đó 77ha vải VietGAP và Global GAP. Giá bán vải sản xuất theo quy trình sạch và được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP luôn cao hơn 10 - 15% giá các loại vải khác trên thị trường.
Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đánh giá, tỉnh Hải Dương đã vào cuộc rất tích cực, tổ chức sản xuất tốt, đặc biệt là khâu phòng trừ sâu bệnh và cách ly theo đúng yêu cầu của Nhật Bản.
Tỉnh đã chọn được một bộ thuốc để phòng trừ các loại sâu bệnh trên vải và tổ chức hướng dẫn bà con sử dụng theo đúng nguyên tắc. Nhờ đó, quả vải vừa không sâu bệnh vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chí của thị trường xuất khẩu.
Tỉnh Hải Dương có khoảng 10.000ha vải. Niên vụ 2020, vải Hải Dương ước đạt sản lượng trên 40.000 tấn. Tính đến thời điểm này, quả vải Hải Dương đã mang lại nguồn thu trên 1.100 tỷ đồng; trong đó vải Thanh Hà thu được khoảng 900 tỷ đồng.
L.P