Sau khi hết thời gian cách ly phòng chống Covid-19 theo đúng quy định, ngày 17/6, chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp về huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng vải thiều để xuất khẩu sang Nhật Bản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha. Đoàn chuyên gia Nhật Bản kiểm tra xong tất cả các công đoạn xử lý vải thiều mà hai bên đã cam kết từ trước, đối chiếu từng phần việc một, đồng thời kiểm tra vận hành xem có đúng yêu cầu phía Nhật Bản đưa ra hay không.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết từ sáng ngày 18/6, đoàn chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và chuyên gia của Nhật Bản bắt đầu giám sát quy trình sơ chế, khử trùng và đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Cụ thể, đã có gần 5 tấn vải thiều được đưa vào xử lý tại một cơ sở tại huyện Lục Ngạn. Đây là một trong 3 cơ sở khử trùng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phía Nhật Bản công nhận đủ điều kiện sơ chế, xử lý vải thiều trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bắc Giang xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Nhật (Ảnh Internet) |
Cũng theo ông Trần Quang Tấn, ngay ngày hôm nay (19/6), 1 tấn vải tươi đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không. Sang đến ngày 20/6, 4 tấn vải tiếp theo sẽ được xuất khẩu bằng đường biển. Dự kiến từ tuần sau, mỗi tuần sẽ có 2 chuyến xuất khẩu và ước tính trong mùa vải năm nay sẽ có khoảng 200 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật, hệ thống xử lý vải thiều do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế và được phía Nhật Bản đánh giá cao khi trực tiếp giám sát vận hành. Chuyên gia Nhật Bản kiểm tra rất kỹ lưỡng tất cả các khâu, từ độ kín buồng khử đến việc tính toán liều lượng thuốc khử trùng và khả năng vận hành chính xác.
“Lô vải thiều đầu tiên được xử lý thành công và được chuyên gia Nhật Bản chứng nhận đảm bảo điều kiện xuất khẩu”, ông Hiếu nói.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, hiện tại đã có trên 100ha vải thiều tại Bắc Giang được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản. Năm nay, sản lượng vải thiều xuất đi thị trường cao cấp này dự kiến sẽ khoảng 600 tấn.
Công Trí