Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được đàm phán giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai khu vực, là một cột mốc kinh tế rất quan trọng đối với Việt Nam. Hiệp định dự kiến được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong tuần này và sẽ đi vào hiệu lực sau hai tháng kể từ khi có Nghị quyết phê chuẩn và văn bản trao đổi ngoại giao giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ngay khi có hiệu lực, Hiệp định sẽ lập tức dỡ bỏ thuế trên 70% hàng hóa từ Việt Nam xuất sang EU và 65% hàng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam. Động thái ký kết Hiệp định EVFTA diễn ra đúng vào thời điểm cộng đồng Việt Nam và EU đều đang nỗ lực phục hồi sau thời kỳ đóng cửa nền kinh tế, từ đó, nhu cầu thúc đẩy thương mại vô hình chung trở thành ưu tiên hàng đầu của bất kỳ ai.
Trong hai năm vừa qua, Việt Nam đã ký kết thành công một Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với hơn 3.9 tỷ đô đóng góp vào thặng dư thương mại Việt Nam chỉ sau hơn một năm đi vào hiệu lực - và đang tiến đến hoàn thiện các bước cuối cùng với một Hiệp định nữa: Hiệp định EVFTA. Đây là những thành tựu kinh tế lớn đòi hỏi những cải cách quan trọng. Thế nhưng, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 77% doanh nghiệp Việt Nam không biết hoặc lần đầu nghe nói đến hai Hiệp định này. Điều này cho thấy rõ ràng trong cộng đồng đang tồn tại một nhu cầu hiểu biết kỹ càng hơn về những lợi ích mà các Hiệp định FTA mang lại cho doanh nghiệp và môi trường giao thương. Dưới đây là những thay đổi lớn mà các doanh nghiệp cần nắm rõ trước khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Cơ hội mở rộng thị trường 42 tỷ đô – một chương mới của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU |
Củng cố lộ trình thương mại vốn đã phát triển thuận lợi
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU luôn giữ mức tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, đạt tổng cộng 42.5 tỷ đô trong năm 2018, tương ứng với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ 11%. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm thiết bị viễn thông, máy móc điện tử, giày dép, đồ may mặc cùng những mặt hàng nông sản như cà phê, lúa gạo và thủy hải sản. Những năm vừa qua, thực tế mức chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày một leo thang khiến Việt Nam nổi lên như một một địa điểm sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu thay thế hấp dẫn. Khi càng có nhiều công ty nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong thời kỳ hậu đại dịch, giải pháp giá trị của Việt Nam càng được củng cố hơn nhờ vào Hiệp định EVFTA. Bước vào trạng thái kinh tế bình thường mới sau nhiều tuần thực hiện biện pháp đóng cửa, Việt Nam hiện đang có lợi thế nắm bắt cơ hội từ những khoản đầu tư bị dồn nén và xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu.
Ba điểm quan trọng doanh nghiệp cần lưu ý:
Dưới đây là ba khía cạnh về Hiệp định EVFTA mà doanh nghiệp Việt cần hết sức lưu tâm:
1.Thúc đẩy phát triển kinh doanh: Lộ trình xóa bỏ thuế và đơn giản hóa thủ tục hải quan
Các điều khoản của Hiệp định EVFTA quy định 70% hàng xuất khẩu của Việt Nam vào 26 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu sẽ được áp dụng chính sách miễn thuế. Các dòng thuế còn lại sẽ được giảm dần trong vòng bảy năm tới. Các chủ doanh nghiệp vì thế cần chủ động cập nhật mức thuế hiện hành, xem xét có thể áp dụng cho doanh nghiệp để kịp thời tận dụng tiết kiệm chi phí và định giá cạnh tranh. Hiệp định EVFTA cũng đồng thời giúp đơn giản hóa các thủ tục hàng hóa, bao gồm cả quy trình thông quan vào vùng lãnh thổ Liên minh châu Âu. Song song, các doanh nghiệp cũng cần nắm rõ các quy định bắt buộc về hải quan như xuất xứ sản phẩm, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật và việc áp dụng thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu. Đây là những yêu cầu mà UPS có thể giúp các doanh nghiệp cả lớn và nhỏ tháo gỡ thắc mắc, thông hiểu và tuân thủ đúng theo yêu cầu của Hiệp định.
2.Tư cách thành viên và những đặc quyền khi gia nhập hàng ngũ các nước thực hiện Hiệp định thương mại tự do với Khối Liên minh châu Âu
Một lợi ích đáng kể khác của Hiệp định EVFTA là việc mở ra cho Việt Nam cơ hội gia nhập cộng đồng các nước cũng ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, đưa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và ASEAN - các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có Hiệp định thương mại với EU. Khi các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và theo đuổi kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh do các gián đoạn từ hậu quả của đại dịch virus corona, Hiệp định EVFTA sẽ giúp tăng cường thương mại, không chỉ giữa Việt Nam và EU, mà còn trong mối dây liên kết kinh tế với các nước khác. Có thể thấy rõ điều này trong ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam - quy mô đứng thứ IV trên thế giới, đóng góp 36 tỷ đô vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia trong năm 2018. Hệ thống tích lũy xuất xứ song phương và đa phương của Hiệp định EVFTA cho phép các nhà sản xuất dệt may tại Việt Nam tiếp cận nguồn nguyên liệu thô từ các thị trường thay thế như Hàn Quốc hoặc bất kì quốc gia nào có ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU, với các điều khoản đối xử ưu đãi nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy tắc về yêu cầu xuất xứ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguyên liệu bông và vải dù xuất xứ từ Hàn Quốc vẫn được xem là “có nguồn gốc xuất xứ” từ Việt Nam nếu chúng trải qua quá trình chế tạo hoặc gia công hợp lý tại Việt Nam.
Cùng với những quy tắc tích lũy song phương mang lại đối xử ưu đãi cho sản phẩm vải sử dụng nguyên liệu đầu vào của châu Âu và gia công tại Việt Nam hoặc ngược lại, các doanh nghiệp tại Việt Nam và trong khu vực được dự đoán sẽ chứng kiến một “cú hích” về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng nhờ vào những lựa chọn gia tăng đa dạng hóa thị trường này. Thêm vào đó, việc tăng cường trao đổi thương mại, ý tưởng và công nghệ từ Hiệp định sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và logistics tại Việt Nam. Điều này có khả năng cao giúp khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm, lựa chọn thời gian vận chuyển thuận lợi, nâng cao trách nhiệm xã hội của thương hiệu và sử dụng nó như một lợi thế cạnh tranh – lợi thế dẫn đến khía cạnh thứ ba khi bàn về Hiệp định EVFTA.
3.Tầm nhìn chung: chìa khóa bền vững để bảo vệ thành công
Có lẽ một trong những khía cạnh tiêu biểu nhất của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA là những điều khoản phi kinh tế mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể hưởng lợi. Tôi rất phấn khởi khi Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết về hành trình phát triển toàn diện của đất nước – một bước đi tích cực và đúng đắn về phía mục tiêu chung, chính là sự phát triển bền vững lâu dài.
Bên cạnh việc loại bỏ thuế quan và các rào cản thương mại, Hiệp định EVFTA đặt ra một tầm nhìn chung cho sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, sách lược lao động và nhiều lĩnh vực khác. Khi dần được đưa vào thực thi, những thay đổi này có tiềm năng to lớn nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có thể bắt đầu hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng được chú trọng nâng cấp, cải tạo và mạng lưới kết nối thông tin hiệu quả hơn – những nỗ lực phù hợp với kế hoạch dài hạn của chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực vào năm 2025.
Khi toàn quốc đều đang thực hiện những bước đi thực tiễn đạt đến mục tiêu này, UPS luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương trong quá trình chuyển đổi, đồng thời tiếp tục hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Khí hậu Paris. Với tư cách là thành viên sáng lập của mạng lưới công nghiệp Green Freight Asia, chúng tôi đã và đang xúc tiến sự thay đổi tích cực về bảo vệ môi trường trên toàn khu vực, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng, chính phủ và ngành công nghiệp logistics về những hành động đóng góp vào chuỗi cung ứng bền vững.
UPS tiếp tục tạo đà cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam
Hiệp định EVFTA đánh dấu một chương mới trong mối quan hệ Việt Nam - EU, mang lại nhiều lợi ích sâu sắc được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong giao thương quốc tế. Sự kết hợp các khía cạnh khác nhau vô cùng độc đáo của Hiệp định thương mại tự do này cũng nhằm mang lại lợi ích chung về thương mại cho cả khu vực, một điều vô cùng cần thiết trong những thời điểm biến động như hiện nay.
Tại UPS, cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội có được từ Hiệp định EVFTA |
Tại UPS, chúng tôi cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội có được từ Hiệp định EVFTA. Bên cạnh những dịch vụ hỗ trợ thông quan hàng hóa đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định, UPS đã tăng cường cải tiến cách tổ chức hoạt động tại Việt Nam, tăng cường khả năng kết nối quốc gia với EU, bao gồm việc rút ngắn thời gian vận chuyển trên 2.300 lộ trình thương mại và đẩy nhanh tốc độ vận chuyển các chuyến hàng đến châu Âu. Chúng tôi cũng đã mở rộng độ tiếp cận của dịch vụ UPS Worldwide Express Freight đến khách hàng ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, cung cấp dịch vụ bảo đảm, giao hàng tận nơi các lô hàng đóng pallet cho các đơn vị xuất khẩu.
Các sáng kiến này có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam tối ưu hóa chuỗi cung ứng và phản hồi nhanh chóng hơn trong môi trường thương mại liên tục cải tiến. Với nhiều hiệp định thương mại tự do trong khu vực đang được đàm phán và đặc biệt là ý tưởng Hiệp định thương mại tự do giữa EU và khối ASEAN đang được xem xét, thành công sẽ đến với các công ty nào biết nắm bắt những lợi thế cạnh tranh từ các hiệp định này để mở ra những cơ hội thương mại xuyên biên giới mới.
Russell Reed - Giám đốc điều hành UPS Việt Nam & Thái Lan