Số liệu thống kê của VNDirect đến ngày 26/7 cho thấy, 590 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 34,2% tổng số cổ phiếu và 28,3% tổng vốn hóa toàn thị trường. Tính chung, tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty này tăng lần lượt 25,3% và 17,9% trong quý II/2022.
Thiếu lực đỡ từ thanh khoản
Dường như, những số liệu khá tích cực về kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp dường như đang bị “ngó lơ” khi nhìn chung vẫn chưa tạo được sự đột phá cho giá cổ phiếu.
Kết quả khả quan của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tạo được đột phá cho giá cổ phiếu. |
Chẳng hạn, trong phiên 26/7 vừa qua, áp lực bán rất mạnh lúc cuối phiên đã đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc, khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ với số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,2 lần số tăng giá.
Đáng chú ý, ngay khi Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo lãi kỷ lục hơn 9,9 ngàn tỷ đồng trong quý II/2022, doanh thu tăng 88%, lợi nhuận tăng gần 6 lần cùng kỳ, cổ phiếu BSR ngay khi bước vào những phút đầu phiên giá đã tăng vọt tới 5,83%, song nhịp tăng này không được giữ đến cuối phiên khi cổ phiếu này “lịm dần” sau 15 phút tăng mạnh. Sang đến phiên 27/7, cổ phiếu này tiếp tục giảm 0,4% giá trị cổ phiếu.
Trước đó, đầu tuần, CTCP FPT (FPT) cũng báo lãi quý II tăng 25%, giá cũng tăng chớp nhoáng rồi giảm sau đó. Chốt phiên 26/7, thị giá lại tiếp tục giảm 0,7% nữa.
Hay như “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) cũng công bố lãi ròng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và thiết lập kỷ lục mới nhưng phiên 26/7 cũng mất tới 5,2% giá trị, đánh dấu 4 phiên giảm giá liên tiếp.
Trong bối cảnh thị trường “kém sắc”, giới phân tích đã từng đưa ra những nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán khi mùa báo cáo quý II đến gần, với kỳ vọng vào sự tăng trưởng của các doanh nghiệp gây tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Song những biến động diễn ra dường như đang dập tắt dần những kỳ vọng đó.
Giới phân tích cho rằng, thị trường đang ở trong giai đoạn thanh khoản rất thấp. Khi nhà đầu tư chưa muốn mua dẫn tới giá cổ phiếu thiếu đi lực đỡ tự nhiên, nên chỉ cần nhu cầu bán trong ngắn hạn cũng sẽ dễ dàng khiến giá cổ phiếu giảm xuống. Trong khi đó, biến động giá dựa trên khối lượng giao dịch nhỏ thì độ tin cậy cũng thấp, khiến nhà đầu tư càng hoài nghi về độ tăng của cổ phiếu.
Thực tế, trong phiên 26/7, tổng giá trị giao dịch ở HoSE và HNX đạt 10.848 tỷ đồng, giảm khoảng 4% so với phiên trước đó. Nếu trừ đi thỏa thuận, giá trị khớp lệnh chỉ đạt 8.851 tỷ đồng, giảm 11%. Đây là mức giao dịch cực thấp và kể từ khi hệ thống mới của HoSE vận hành, thị trường chỉ có 3 phiên mà mức khớp lệnh dưới ngưỡng 9 ngàn tỷ đồng.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là dòng tiền đang đi đâu?
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể nhà đầu tư nhận thấy đầu tư cổ phiếu không còn “dễ ăn” như trước nữa nên đã đưa một lượng tiền lớn ra khỏi thị trường chuyển vào những kênh đầu tư có lãi suất cố định như gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư trái phiếu.
Thực tế, cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi 5 tháng đầu năm 2022 của dân cư cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp, đều đặn ghi nhận mức tăng trưởng dương qua hàng tháng. Trong khi đó, ước tính số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán đang giảm dần. Đồng thời, dư nợ cho vay tại các CTCK cũng đã giảm mạnh sau khi chạm đỉnh vào cuối quý trước.
Trên thị trường trái phiếu, việc mua bán trái phiếu hiện nay đang ghi nhận nhộn nhịp trở lại và có những tín hiệu tích cực về phía nhà đầu tư cá nhân.
Vẫn sẽ có cổ phiếu tạo thu nhập tốt
Đánh giá về thanh khoản trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng thanh khoản sẽ được cải thiện nhờ triển vọng dự thảo T+2 được đi vào áp dụng cũng có thể rút ngắn thời gian nắm giữ cổ phiếu, gia tăng thanh khoản cho thị trường.
Mặt khác, giải pháp mở tài khoản trực tuyến EKYC giúp cho việc mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn, mặc dù không phải tài khoản nào mở cũng đều sử dụng.
Hơn nữa, các vấn đề về vĩ mô và đặc thù trong nước vẫn ổn định hơn các nước khác, đặc biệt là kiểm soát lạm phát cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
“Vẫn sẽ có những cổ phiếu tạo ra dòng thu nhập tốt trong bối cảnh lạm phát như những doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức ổn định, những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thiết yếu, dù giá có tăng đi nữa thì người tiêu dùng cũng phải mua”, chuyên gia Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp nhận định.
Hiện tại, định giá P/E của chỉ số VN-Index đang khoảng 12,7-12,8 lần. Nếu nhìn lại lịch sử, mức thấp hơn 12,7-12,8 lần chỉ xảy ra có bốn lần. Trong những lần đó, ảnh hưởng đến thị trường là rất ngắn, ngoại trừ giai đoạn 2012-2013 kéo dài khoảng ba năm. Giai đoạn đó, lạm phát rất cao, lạm phát và lãi suất khoảng 18-20% và chuyên gia tin tưởng chắc chắn Việt Nam sẽ không xảy ra điều đó trong thời gian tới. Các giai đoạn còn lại cũng chỉ kéo dài khoảng 2-3 quý, một thời gian rất ngắn.
“Đây sẽ là những cơ hội rất tốt cho nhà đầu tư tham gia thị trường, tất nhiên vẫn phải lựa chọn cổ phiếu tốt”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF) khuyến nghị.
Hải Giang