Vn-Index giảm 23,98 điểm xuống còn 1.030,64 điểm |
Thị trường mở cửa trong tâm lý thận trọng sau phiên giảm điểm mạnh ngày 16/5, dòng tiền dè dặt vào thị trường khiến giao dịch diễn ra chậm, sắc đỏ lấn át. Diễn biến này khiến nhà đầu tư sốt ruột mà tiếp tục thoát hàng, đà giảm của Vn-Index theo đó tăng dần về cuối phiên.
Lực bán ra tăng ngay sau khi thị trường mở cửa trong phiên chiều. Những mã cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá mạnh, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để lôi kéo dòng tiền bắt đáy.
Do đó, áp lực bán lại tiếp tục được đẩy lên cao trào trong phiên ATC, đẩy Vn-Index về mức thấp nhất trong ngày.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index giảm 23,98 điểm (2,27%) còn 1.030,64 điểm, trong khi đó HNX-Index tăng 0,01 điểm (0,01%) lên 121,50 điểm và UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (0,07%) lên 55,97 điểm.
Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt mức 184,5 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị 5.108,8 tỷ đồng, trong đó có hơn 460 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận của ROS.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị kéo xuống rất sâu như BVH, VPB, GAS, MSN, ROS, SAB, VNM, VIC, VJC… Trong đó, VIC giảm sâu 5,4% xuống chỉ còn 123.000 đồng/cp, VPB cũng khiến nhà đầu tư "ngao ngán" khi giảm 5,2% xuống 45.800 đồng/cp, đánh dấu phiên giảm thứ 8, tương đương mất gần 23% giá trị.
MSN cũng giảm tới 6,4% xuống còn 87.000 đồng/cp; VNM giảm 2,4% về 165.000 đồng/cp; SAB giảm 4,2% về 241.500 đồng/cp; GAS giảm 3,1% về 116.000 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau phiên giao dịch tích cực buổi sáng thì phiên chiều chỉ có CTG, HDB là những mã hiếm hoi tăng giá, còn lại đều giảm.
Điểm sáng của thị trường hôm nay là “tân binh” VHM của CTCP Vinhomes đã tăng kịch trần từ 92.100 đồng/cp giá tham chiếu lên 110.500 đồng/cp, dư mua trần 2,3 triệu đơn vị.
Điều này giúp VHM trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ sau công ty mẹ Vingroup (VIC). Dù vậy, trong phiên giao dịch đầu tiên nên cổ phiếu VHM chưa tác động đến Vn-Index.
Tại nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, FLC tăng 0,2% lên 5.320 đồng/cp, khớp lệnh 2,88 triệu đơn vị; nhiều mã khác cũng có được sắc xanh như KBC, HAG, SCR, ASM, DHM, KSH, QBS, JVC..., nhưng thanh khoản không cao.
Phiên giao dịch 17/5 cũng là phiên đáo hạn trên thị trường phái sinh nên lượng khớp lệnh cũng tăng mạnh so với phiên trước. Tổng khối lượng khớp lệnh cho hợp đồng VN30F1805 đạt hơn 48.000 hợp đồng.
Ngoài ra, việc khối ngoại bán ròng trên cả ba sàn giao dịch cũng là một nhân tố tác động đến đà giảm của thị trường.
Trong phiên hôm nay, khối ngoại mua vào 10,9 triệu cổ phiếu, trị giá 462,8 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 13,9 triệu cổ phiếu, trị giá 690 tỷ đồng.
Tổng khối lượng bán ròng đạt 3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 227,4 tỷ đồng.
T.L