Kịch bản cũ đã lặp lại trong phiên giao dịch ngày 16/5, áp lực bán một lần nữa lại được đẩy lên mức cao, khiến cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc.
Lực bán này được cho là do hiệu ứng chốt lời ngắn hạn T+3 sau 3 phiên giao dịch vừa qua, khi động lực hồi phục đến từ cổ phiếu trụ cột.
Dấu hiệu “tháo chạy” chưa hết
Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm và đã ở mức rất thấp với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 230 triệu cổ phiếu, trị giá gần 5.100 tỷ đồng.
Ngân hàng là nhóm cổ phiếu giảm nặng nề nhất, đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ và gây ra áp lực lớn cho thị trường. Lực bán tập trung vào BID khiến cổ phiếu này giảm hơn 4% xuống còn 33.200 đồng/cp, CTG giảm 2,5% xuống 29.100 đồng/cp, VCB giảm 2,9% xuống còn 57.000 đồng/cp…
Cùng diễn biến với nhóm ngân hàng, các cổ phiếu trụ cột khác như VNM, BVH, MSN, PLX, VRE… cũng đồng loạt giảm sâu.
Cụ thể, MSN giảm 3,4% xuống còn 92.900 đồng/cp, BVH giảm 3,6% xuống 98.300 đồng/cp, VRE giảm đến 4% xuống 46.000 đồng/cp, PLX giảm 2,3% xuống 69.000 đồng/cp, VIC cũng giảm 1,5% xuống 130.000 đồng/cp…
Trên thị trường thời gian qua, dòng tiền đã sụt giảm nghiêm trọng và chỉ tập trung vào những cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, nhóm này cũng mất động lực tăng trưởng, chủ yếu dựa vào cổ phiếu VIC.
Theo nhận định của CTCK Phú Hưng, trạng thái tâm lý chung của thị trường vẫn còn giữ được phần lớn nhờ cổ phiếu VIC và những giao dịch “khác biệt” của cổ phiếu này.
Điển hình, trong phiên giao dịch ngày 15/5, VIC bất ngờ gặp áp lực bán rất mạnh cuối phiên, mặc dù trong phiên tăng tương đối tốt. Tuy nhiên, lực cầu đỡ giá lập tức xuất hiện đã giúp VIC chốt phiên ở mức giá tham chiếu.
Điểm nâng đỡ thị trường khỏi giảm sâu hơn nữa trong phiên 16/5 có lẽ là sắc xanh của nhóm dầu khí. Đồng loạt cả 4 “đại gia” trong ngành gồm: GAS, PVD, PVT, PVS đều bứt phá, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường.
Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền tiếp tục đang trong trạng thái “hoài nghi” và nhịp tăng hiện tại có nguyên nhân phần nhiều đến từ việc tiết giảm cung.
Phiên giao dịch ngày 16/5 kết thúc với việc Vn-Index “bay” gần 19 điểm, xuống còn 1.054,62 điểm |
Có nên hạn chế mua mới?
Trong bản tin nhận định thị trường, công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng thanh khoản thấp đang khiến cho xu hướng qua từng phiên của chỉ số Vn-Index không thật sự đáng tin cậy. Nhiều khả năng thị trường sẽ diễn biến lình xình, với các phiên tăng, giảm đan xen trong các phiên sắp tới.
Cùng chung quan điểm với BVSC, công ty Chứng khoán SHS cho rằng diễn biến hồi phục của thị trường những phiên vừa qua là tín hiệu đáng mừng, nhưng Vn-Index đang gặp khó khăn trước áp lực cung trong vùng kháng cự 1.075-1.080 điểm. Do đó, thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy trong vùng giá này, trước khi xác định cho xu hướng tiếp theo.
Trên thực tế, thị trường đang phụ thuộc quá nhiều vào nhóm cổ phiếu trụ cột, trong khi vai trò dẫn dắt của nhóm ngân hàng lại mờ nhạt, chưa tạo mặt bằng ổn định để thay đổi xu hướng của chính nhóm này.
Hiện, chỉ có các cổ phiếu như VIC, GAS, VRE là mạnh khác biệt, còn lại đa số đều chưa rõ ràng. Do đó, thị trường giao dịch giằng co theo lối cầm chừng, chờ đợi nhân tố mới.
Hơn nữa, trong 3 phiên giao dịch đầu tuần, khối ngoại liên tiếp bán ròng trên cả 3 sàn, với giá trị lên tới vài trăm tỷ đồng, bất chấp việc thị trường tăng hay giảm.
Do đó, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra khuyến cáo cho các nhà đầu tư trong thời điểm này là “hạn chế mua mới”.
Theo BVSC, việc thị trường rung lắc vẫn tiếp tục có thể xảy ra, nhà đầu tư nên theo dõi tín hiệu thị trường, chờ những giai đoạn ổn định mới đưa ra quyết định đầu tư.
Nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng vào việc VHM niêm yết vào ngày 17/5 và nhóm VIC, VRC, VHM có thể nâng đỡ thị trường tốt nhờ tỷ trọng vốn hóa lớn của mình.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng khẳng định đây chỉ là dự báo, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra cho thị trường trong giai đoạn nhạy cảm này.
Thùy Linh