Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 19/2-25/3 khối ngoại đã bán ròng tổng giá trị hơn 14.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giữa lúc này, nhà đầu tư trong nước đang là trụ cột chính nâng đỡ thị trường.
Lý giải nguyên nhân
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến: "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững", ông Trần Hoàng Sơn- Giám đốc Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, việc các nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng và đợt bán gần đây nhất được kích hoạt bởi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng nhanh.
Diễn biến này đã khiến tỷ giá ở các thị trường mới nổi mất giá nhanh, giá USD có xu hướng tăng cao trở lại. Tại một số nước, tỷ giá USD đang dao động ở mức 5-7% khiến các nhà đầu tư ngoại nhanh chóng thu tiền về để bảo toàn vốn.
Trong một thời điểm ngắn hạn nào đó, việc tái cân bằng danh mục đầu tư của các quỹ ngoại là chuyện bình thường. |
Dẫn ví dụ tại Hàn Quốc, ông Sơn cho biết, đồng tiền nước này mất giá khoảng 4% so với USD, chính vì vậy, quỹ KIM đã ngay lập tức rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lên đến hơn 60 triệu USD từ đầu năm đến nay.
Thêm vào đó, thị trường chứng khoán quốc tế đang tăng nhờ cung tiền, nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Còn tại Việt Nam, lãi suất mặc dù ở mức thấp nhất trong 10 năm qua nhưng các yếu tố hỗ trợ còn chưa rõ nét, nên các thị trường như Mỹ, Nhật tăng tốt và có phần hấp dẫn hơn Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc đang có xu hướng hạ đòn bẩy tài chính, cung tiền có xu hướng suy giảm nhanh. Gần đây, vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc gia tăng rất nhanh. Những điều này báo hiệu rủi ro tín dụng, phần nào ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán châu Á, qua đó tạo áp lực bán ròng lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Hơn nữa, hàng hoá ở thị trường Việt Nam hiện còn ít, những công ty niêm yết trong rổ VN30 đều là những công ty gọi mặt chỉ tên ai cũng biết. Trong 3-5 năm nay chưa có công ty nào đủ lớn để cho nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng, chưa có lớp cổ phiếu lớn kế cận có lượng tiền lớn để khối ngoại tham gia đầu tư”, ông Sơn nhận định.
Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Thế Minh- Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết thêm, xu hướng hiện nay của dòng tiền nước ngoài là tìm đến thị trường có sức bật, tăng trưởng tốt hơn.
"Năm 2020, đa phần các quỹ rút ròng ra khỏi thị trường cổ phiếu, đó là thời điểm đáy của thị trường toàn cầu. Trong khi đó, vốn bơm thêm vào các quỹ ETF tăng rất mạnh trong năm vừa qua. Đây là làn sóng dịch chuyển từ quỹ truyền thống sang quỹ ETF có chi phí quản lý thấp hơn. Vì thế mà dòng tiền rút ra khỏi các quỹ truyền thống trong thời gian qua khá mạnh, Việt Nam cũng không loại trừ", ông Minh chia sẻ thêm.
Không đáng lo ngại
Thực tế, khi các quỹ ngoại thay đổi danh mục hay hướng luân chuyển dòng tiền thì tín hiệu gửi đến thị trường chứng khoán khá quan trọng. Do đây là các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp và có mức độ ảnh hưởng lớn đến thị trường nên thông điệp của các quỹ ngoại trong động thái bán ròng cũng sẽ khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Sơn- Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 21-22% vốn các mã niêm yết thì theo dữ liệu gần đây cho thấy, họ đã rút ra còn 18%, tức là mới chỉ rút ra khoảng 3% không phải là quá nhiều.
“Cần lưu ý rằng, nhà đầu tư nước ngoài bán ra cổ phiếu nhưng không rút hoàn toàn tiền mặt mà đang chờ cơ hội mới để giải ngân. Do đó, chúng ta đừng quá quan ngại về động thái bán ròng bởi họ cũng chỉ là một tiêu chí không phải là quyết định. Nên nhớ, không phải quỹ nào cũng thành công tại Việt Nam”, ông Sơn khẳng định.
Chia sẻ câu chuyện về dòng vốn ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam, TS. Võ Đình Trí (IPAG Business School Paris và Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, các số liệu thống kê từ Reuters Thomson cho thấy, dòng vốn vẫn đang chảy vào thị trường Việt Nam, nhưng không hẳn chỉ dồn vào thị trường chứng khoán, mà còn qua nhiều kênh đầu tư khác. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán có thể xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc phải cân bằng chiến lược đầu tư với các thị trường khác, nhất là khi Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Vấn đề cần đặt ra là việc thị trường Việt Nam phải trưởng thành hơn, để có thể thu hút dòng vốn nước ngoài một cách bền bỉ, lâu dài.
“Có thể thấy rằng trong một thời điểm ngắn hạn nào đó, việc tái cân bằng danh mục đầu tư của các quỹ ngoại là chuyện bình thường, hay thậm chí tạm thời rút ra khỏi thị trường dưới dạng tiền nóng. Điều quan trọng là trong bức tranh tổng thể, dòng vốn của các loại quỹ chảy vào vẫn là màu xanh chứ không đỏ. Vì cho dù nếu không vào thị trường chứng khoán, dòng vốn ngoại qua các kênh khác cũng gián tiếp tạo điều kiện cho kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát triển”, TS Võ Đình Trí nhận định.
Minh Khuê