Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.
Trái phiếu đáo hạn chủ yếu đến từ lĩnh vực bất động sản
Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.
Giá trị TPDN đáo hạn tăng mạnh phần lớn đến từ việc nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành một lượng lớn TPDN với kỳ hạn ngắn (1-2 năm) trong giai đoạn 2020-2021.
Giai đoạn từ năm 2022 - 2024 có gần 750.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. |
Gần nhất trong quý III/2022, theo số liệu thống kê của VNDrirect Research sẽ có 64.696 tỷ đồng TPDN đáo hạn, (tăng 82,7% so với quý trước; tăng 243,8% so với cùng kỳ). Trong đó, bất động sản sẽ là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ, tương đương 33.624 tỷ đồng (tăng 166,9% so với quý II và tăng 252,3% so với cùng kỳ).
Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý III là: Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), CTCP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (3.400 tỷ đồng).
Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 37,2% tổng giá trị đáo hạn trong quý III, tương đương 24.036 tỷ đồng (tăng 17,6% so với quý 2 và 216,5% so với cùng kỳ).
Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý III gồm: NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (5.000 tỷ đồng), NHTMCP Liên Việt (2.700 tỷ đồng) và NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (2.000 tỷ đồng).
Các ngành khác chiếm 10,9% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý III/2022, đạt 7.036 tỷ đồng (tăng 198,2% so với quý II và 319,3% so với cùng kỳ).
Bộ Tài chính đánh giá cho đến nay, ngoại trừ trường hợp các trái phiếu bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, theo báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, cơ quan này cũng lưu ý việc khối lượng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024, chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng.
“Với xu hướng kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, định hướng điều hành theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, các doanh nghiệp sẽ có khả năng thanh toán đủ gốc, lãi đến hạn.
Tuy nhiên, trường hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn", Bộ Tài chính nhận định.
"Điểm rơi" của TPDN sắp đến gần?
Thực tế, việc một lượng lớn TPDN đáo hạn trong giai đoạn 2022-2023 đã được các chuyên gia dự báo từ trước và tăng lên đỉnh điểm vào năm tiếp theo.
Đặc điểm của dự án bất động sản là vòng đời dài, có dự án kéo dài cả chục năm, trong khi trái phiếu thường có kỳ hạn 2 - 3 năm, dài nhất cũng chỉ khoảng 5 năm. Do đó, hoạt động “đảo nợ” trái phiếu khi doanh nghiệp chưa ghi nhận dòng tiền từ việc bán hàng là bình thường và phổ biến. Chính vì vậy, kênh huy động vốn trái phiếu bị “chững” khiến áp lực thu xếp dòng vốn để đáo hạn trái phiếu lớn dần.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ là “điểm rơi” đáo hạn rất nhiều các khoản nợ TPDN.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thời hạn đáo hạn đến gần, trong khi việc có khoản tiền lớn để trả nợ là rất khó với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Về vấn đề này, ông Lực nói rằng, doanh nghiệp không thu xếp được tiền thì cũng phải xoay đủ kiểu để trả nợ, thậm chí bán tài sản. Có trường hợp bí quá phải huy động tín dụng đen để trả nợ, tạo ra vòng luẩn quẩn.
Nhìn nhận dưới góc độ vĩ mô, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM) cũng chỉ ra rằng, thời gian gần đây hoạt động M&A tăng mạnh là bằng chứng rõ nét cho thấy nhiều doanh nghiệp buộc phải dùng cách bán tài sản để xử lý vấn đề về vốn.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm, FDI vào bất động sản mặc dù ở vị trí thứ 2 chỉ sau ngành chế biến chế tạo nhưng đã tăng rất mạnh. Khi TPDN đáo hạn, doanh nghiệp nội chưa thu xếp được nguồn tiền trả nợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào theo hình thức M&A.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị TPDN đã bằng với quy mô trái phiếu Chính phủ (khoảng 1,5 triệu tỷ đồng), tương đương 17% GDP. Trong đó, gần 1/3 là của ngân hàng phát hành tăng vốn, 1/3 là của trái phiếu doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp bất động sản.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Khối lượng phát hành tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4. Cụ thể khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55.900 tỷ đồng, tháng 3 là 48.800 tỷ đồng, tháng 4 là 30.600 tỷ đồng. Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại, trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44.200 tỷ đồng và tháng 6/2022 là khoảng 47.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp cũng đã mua lại trước hạn khoảng 61.900 tỷ đồng TPDN. |
Thanh Hoa