Ladophar là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực thuốc đông dược tại Lâm Đồng với mặt hàng chính là sản phẩm đông dược có nguồn gốc từ cây Atiso. Tuy nhiên, từ năm 2020, hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu gặp khó khăn khi ghi nhận doanh thu giảm 33% xuống 255 tỷ đồng, lỗ ròng 26 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Dược Lâm Đồng từ năm 2017 đến tháng 9/2021. |
Kết thúc quý III/2021, Ladophar ghi nhận doanh thuần gần 34 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 7 tỷ đồng). Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Ladophar giảm 33% xuống 119 tỷ đồng, tiếp tục lỗ ròng hơn 16,3 tỷ đồng, ghi nhận 6 quý lỗ liên tiếp.
Theo Ladophar, việc kênh đấu thầu bị ảnh hưởng các quy định của Bảo hiểm y tế về kê đơn và Sở y tế làm cho kết quả trúng thầu năm nay thấp hơn năm trước. Đồng thời, các mặt hàng sản xuất của công ty không phải mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua và việc thực hiện giãn cách xã hội khiến doanh thu hàng thương mại bị sụt giảm. Do đó, dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan.
Trái ngược với việc kinh doanh sa sút, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LDP đã có chuỗi phiên tăng kịch trần 11 phiên liên tiếp, nhanh chóng tăng từ vùng giá 14.000 đồng/cp (phiên ngày 22/11) lên mức đỉnh lịch sử 39.100 đồng/cp (phiên 7/12), tương ứng tăng gấp gần 2,8 lần sau 15 ngày. Sau một phiên điều chỉnh ngày 8/12, cổ phiếu LDP chốt phiên ngày 9/12 tăng trở lại 1,91% và kết phiên tại mức 37.300 đồng/cp.
Trước đó, sau khi về dưới vùng giá 8.600 đồng/cp (phiên ngày 17/5), cổ phiếu LDP đã “vọt” lên vùng giá 19.100 đồng/cp (phiên ngày 7/6) trong vòng 21 ngày. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu LDP đã quay đầu điều chỉnh.
Lần này, cổ phiếu LDP “nổi sóng” ngay khi thông tin CTCP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Group) đăng ký thoái vốn toàn bộ 6,8 triệu cổ phiếu, tương đương 53,9% vốn Ladophar trong khoảng thời gian từ 2/12/2021 - 2/1/2022 theo phương thức thực hiện thỏa thuận hoặc khớp lệnh với lý do bán cổ phần để bổ sung vốn cho hoạt động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mai Long - Phó chủ tịch kiêm CEO của Louis Holdings cùng nhiều vị trí cao cấp trong các công ty thành viên, đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc mới, đại diện theo pháp luật của Ladophar.
Louis Holdings gần đây liên tiếp thâu tóm nhiều doanh nghiệp tên tuổi trên sàn chứng khoán như Angimex (AGM), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC) hay Sametel (SMT)... Đặc điểm chung trong hoạt động M&A của tập đoàn này là đều giúp các mã chứng khoán trên tăng gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên sau đó cũng giảm sâu khi xuất hiện những đồn đoán về việc thao túng giá cổ phiếu.
Đáng chú ý, mới đây, CTCP Louis Capital đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc mua cổ phần của Ladophar.
Cụ thể, Louis Capital dự kiến sẽ mua vào 1,3 triệu cổ phiếu LDP, tương ứng tỷ lệ 10,23% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại công ty dược này. Nếu thành công, Louis Capital sẽ chính thức trở thành cổ đông lớn tại LDP.
Tạm tính theo mức giá chốt phiên ngày 9/12 là 37.300 đồng/cp, Louis Capital sẽ chi ra khoảng 48 tỷ đồng để hoàn tất mua vào cổ phần tại Ladophar.
Vì vậy, với việc “bất ngờ” tăng trần nhiều phiên liên tiếp của LDP, giới đầu tư đang đặt ra nghi vấn: Liệu cổ phiếu LDP có đang bị “làm giá” khi xuất hiện “bóng dáng” của "họ Louis"?
Hải Giang