Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 cho thấy, doanh thu thuần của DL Group đạt 395 tỷ đồng, giảm 17% so với mức 477,6 tỷ đồng cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 75 tỷ đồng, giảm 35%, biên lợi nhuận gộp giảm 5% về 19%.
“Án” huỷ niêm yết treo lơ lửng
Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp đôi, lên mức 215 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 26 tỷ đồng. Đây là sự cải thiện ấn tượng so với mức lỗ 493,6 tỷ đồng của quý III/2020. Sau khi trừ đi thuế, DL Group báo lãi ròng 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ sâu tới 550 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long (Ảnh: Int). |
Lũy kế 9 tháng đầu năm, DL Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.297 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 238,7 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm cuối quý III, DL Group ghi nhận lỗ lũy kế 838 tỷ đồng với số vốn điều lệ 2.993 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng nợ vay dài hạn so với đầu năm xuống 2.063 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn ở mức 1.395 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 2017 - 2020 là thời kỳ “hoàng kim” về doanh thu của DL Group khi mỗi năm thu về trên dưới 3.000 tỷ đồng. Về lợi nhuận, công ty đạt hiệu quả cao nhất vào các năm 2014 – 2017 với mức dao động từ 52,8 - 82,7 tỷ đồng/năm. Đây là giai đoạn công ty chuyển hướng sang mảng linh kiện điện tử, đánh dấu bằng việc mua lại công ty sản xuất linh kiện của Mỹ mang tên Mass Noble Investment Limited.
Tình hình kinh doanh của DL Group bắt đầu đi xuống từ năm 2019, khi doanh thu đạt 2.873 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng lại âm 1,3 tỷ đồng. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu công ty tiếp tục sụt giảm 30% khi các loại chi phí tăng cao, kéo khoản lãi ròng xuống mức âm gần 907 tỷ đồng. Do đó, cổ phiếu DLG đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo.
Sang đầu năm 2021, mặc dù tình hình kinh doanh của DL Group được cải thiện hơn nhưng đến tháng 4/2021, cổ phiếu DLG bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do ảnh hưởng khoản lỗ của 2 năm trước đó.
Tính chung 6 tháng đầu năm, DL Group ghi nhận doanh thu thuần hơn 900 tỷ đồng và tăng khoảng 11% so với cùng kỳ. Mảng linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, tiếp đến là thu phí BOT, bán đá, sản phẩm nông nghiệp và điện thương phẩm.
Mặc dù thu hơn 110 tỷ đồng tiền lãi cho vay, nhưng công ty cũng phải trả trên 180 tỷ đồng chi phí lãi vay các bên. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận bị ăn mòn, chỉ còn lãi sau thuế 23 tỷ đồng.
Hiện tại, DL Group đang có khoản lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/6/2021 là 842,34 tỷ đồng trong khi các khoản nợ ngắn hạn đã vượt tổng tài sản ngắn hạn gần 240 tỷ đồng. Tổng nợ của công ty trên 5.600 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng.
Cùng với đó là khoản cho vay 2.400 tỷ đồng không có tài sản bảo đảm và không có bảo lãnh của bên thứ ba đã khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của DL Group.
Ngày 1/10/2021, HoSE tiếp tục ra thông báo giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu DLG và công ty đang phải đối mặt với “án” huỷ niêm yết bắt buộc nếu như năm 2021 tiếp tục thua lỗ.
Cổ phiếu “vượt đỉnh”
Theo đại diện DL Group, công ty đang xây dựng phương án cấu trúc toàn diện tình hình tài chính và lên kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả, kiểm soát chặt chi phí để đảm bảo nguồn thu theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ pháp lý các dự án thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió để tìm kiếm đối tác huy động vốn hoặc chuyển nhượng một phần dự án chậm nhất vào cuối năm 2023 để có tiền tất toán nợ quá hạn. Ngoài ra, công ty cũng sẽ thu hồi công nợ và đàm phán với ngân hàng để cơ cấu nợ gốc, miễn giảm lãi.
Biểu đồ giao dịch cổ phiếu DLG (Nguồn SSI iBoard). |
Mới đây, DL Group công bố chủ trương thoái vốn tại 2 công ty con là CTCP Cà phê Gia Lai (FGL) và CTCP Chè Biển Hồ (BHG). Theo đó, DLG sẽ chuyển nhượng toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu FGL (51%) và 4,6 triệu cổ phiếu BHG (51%) mà công ty đang sở hữu theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian thực hiện chuyển nhượng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Trên thị trường chứng khoán, FGL và BHG là 2 cổ phiếu đều đang được giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2018. Tuy nhiên do cơ cấu cổ đông cô đặc (cổ phiếu có các cổ đông nội bộ, cổ đông chiến lược nắm giữ phần lớn cổ phiếu) nên hầu như thanh khoản kém trong suốt thời gian từ khi lên sàn cho đến hiện tại. Đồng thời, thị giá cũng hầu như dậm chân tại mức tham chiếu.
Cụ thể, FGL đứng tại mức giá 11.000 đồng/cp từ tháng 6 đến nay, còn BHG thì giữ mức 10.500 đồng/cổ phiếu từ đầu năm 2021 đến hiện tại. Tính theo giá kết phiên 03/12, ước tính các thương vụ có thể đem về cho công ty số tiền xấp xỉ 94 tỷ đồng và 55 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngay khi có thông báo thoái vốn 2 công ty trên, cổ phiếu DLG đã tăng kịch trần (2/12). Chốt phiên ngày 03/12, cổ phiếu DLG đang giao dịch ở mức 7.200 đồng/cp.
Trước đó, vào tháng 9/2021, Hội đồng Quản trị DL Group cũng đã thông qua việc thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con khác là CTCP Năng lượng Tân Thượng và CTCP Đầu tư và kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai.
Thời điểm đó, cổ phiếu DLG đã gây chú ý khi liên tiếp tăng giá từ ngày 1/10 – 12/11, đạt 8.600 đồng/cp - mức cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Thanh khoản của cổ phiếu cũng tăng mạnh, trung bình mỗi phiên đạt hơn 10 triệu đơn vị được giao dịch trong tổng số 299 triệu cổ phiếu lưu hành.
Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 5/1/2021, ngay khi DL Group quyết định sẽ thoái vốn tại công ty TNHH Nông nghiệp Đức Long Gia Lai và công ty TNHH MTV Nông trại cao nguyên Quảng Phú, bất chấp khoản lỗ ròng 907 tỷ đồng năm 2020 khiến đơn vị kiểm toán phải lên tiếng cảnh báo, cổ phiếu DLG bật tăng từ mức “lau sàn” 1.300 - 1.400 đồng/cp trong tháng 12/2020 lên mức 4.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 4/2021. Trong đó, từ ngày 29/3 đến 15/4, mã này đã trải qua 13 phiên tăng giá với 11 phiên tăng trần đưa giá trị cổ phiếu tăng hơn 120% chỉ trong vòng nửa tháng.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, thời gian quý IV/2021 đang gần kề, “game” cổ phiếu DLG có thể “cứu” công ty hay không còn phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp cải thiện dòng tiền. Bởi vấn đề cấp bách của DL Group hiện nay vẫn là phải có lợi nhuận và “làm đẹp” bản báo cáo tài chính cuối năm để còn huy động vốn và thoát “án” huỷ niêm yết.
Trường hợp xấu khi thoái vốn và đòi nợ không thành công, việc cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên HoSE sẽ đẩy các cổ đông đến chỗ thiệt hại nặng nề. Thậm chí, nếu thị giá cổ phiếu sụt giảm, rất có thể DL Group sẽ có nguy cơ bị “thâu tóm”.
“Vấn đề nội tại của DL Group là dòng tiền không tốt do sử dụng đòn bẩy nhiều. Dòng tiền luôn âm, lợi nhuận đa phần đến từ lợi nhuận đầu tư tài chính”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.
Hải Giang