Cách hành xử của "ông lớn" bán lẻ đã khiến dư luận dậy sóng, cho rằng phía Thế Giới Di Động có thái độ "bá đạo", không tuân thủ hợp đồng và không tôn trọng đối tác.
Lãi lớn vẫn "la làng"
Trong văn bản gửi đến tối tác thuê mặt bằng, Thế giới Di động cho biết sẽ không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu giãn cách xã hội của chính quyền, để chống dịch.
Với những cửa hàng bị hạn chế hoạt động, Thế Giới Di Động sẽ thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng cho các đối tác, và không tính tiền thuê 70% còn lại. Thời gian áp dụng trong suốt 8 tháng đầu năm 2021 (từ ngày 1/1 đến ngày 1/8).
Cổ phiếu MWG trong ngắn hạn sẽ không chịu tác động tiêu cực từ các bê bối. |
"Đây là sự tiếp sức và động viên rất lớn của quý đối tác cho Thế giới Di động và Điện máy Xanh để chúng tôi duy trì hoạt động kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, đóng góp phúc lợi cho xã hội", văn bản của Thế Giới Di Động nêu.
Dù công văn “than nghèo, kể khổ” vì khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhưng theo báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn dịch.
Theo đó, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 8 tháng là 78.495 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.006 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 12% so với 8 tháng đầu năm 2020. Chuỗi Thế giới Di động/Điện máy Xanh vẫn đóng góp rất lớn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp với doanh thu 8 tháng là 57.500 tỷ đồng.
Riêng trong tháng 8, có 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế, vẫn đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của Thế giới Di động/Điện máy Xanh trong điều kiện bình thường nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online.
Chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng sau 8 tháng (tăng 56%). Với 1.928 cửa hàng vào cuối tháng 8, doanh thu trong tháng của Bách hoá Xanh đạt hơn 3.000 tỷ đồng (tăng 52%). Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng là hơn 1,5 tỷ đồng nhờ nhu cầu tích trữ hàng hóa và thay thế chợ truyền thống bị đóng cửa.
Nhìn vào những số liệu cùng mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng của 3 chuỗi cửa hàng có thể thấy, các trụ cột kinh doanh của Thế giới Di động đã hỗ trợ, gánh vác lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, mới đây, Thế giới Di động vừa thực hiện chi trả cổ tức năm 2020 "khủng" với tỷ lệ lên tới 60%.
Lo cho cổ phiếu
Kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, Thế giới Di động là doanh nghiệp được giới đầu tư đánh giá cao về khả năng quản trị cũng như trách nhiệm xã hội. Việc liên tiếp dính bê bối kể trên, nhiều ý kiến cho rằng, có thể sẽ khiến cổ phiếu MWG mất điểm trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, ngày càng trở nên xấu xí trong mắt các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế, đã có một làn sóng tẩy chay mạnh mẽ các sản phẩm của chuỗi Bách hóa xanh diễn ra trên mạng xã hội khiến cổ phiếu MWG đã 2 lần giảm 5%-10%. Và ngay sau khi "bê bối" mặt bằng diễn ra cổ phiếu MWG cũng đã giảm hơn 1%.
Tuy nhiên, tại tất cả các lần đóng cửa trong sắc đỏ vì scandal, MWG đều nhanh chóng lấy lại phong độ bất chấp xu thế bị dòng tiền "ngó lơ" của các bluechip trong giai đoạn hiện nay.
Theo nhận định của ông Trương Đắc Nguyên - Chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành bán lẻ là ngành dễ bị mắc sai lầm và làm phật ý khách hàng, nhưng biết sửa sai thì được tha thứ rất nhanh. Trong lịch sử của ngành cũng đã có nhiều sự việc khiến bị tẩy chay nhưng hiếm khi kéo dài làm ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp.
Hiện tại, làn sóng tẩy chay Bách hóa Xanh đã nguôi ngoai nhiều, còn đối với sự việc đơn phương giảm giá thuê mặt bằng của Thế giới Di động thì thị trường cho thuê mặt bằng đang dư thừa, bỏ trống rất nhiều. Có lẽ, Thế giới Di động chỉ muốn thương lượng lại giá tốt hơn hoặc tìm đến những mặt bằng rẻ hơn, vị trí đẹp hơn nhưng cách thức thương lượng đã gây phản cảm.
Sau cùng hai bên sẽ phải có một thỏa thuận thanh toán tiền mặt bằng, và khả năng cao Thế giới Di động vẫn có được ưu thế dù có thể không nhiều như văn bản của họ là không thanh toán 70-100% nhưng cũng sẽ giúp họ giảm chi phí thuê.
"Lỗi từ Thế giới Di động là rất rõ ràng, nhưng sau giai đoạn bất ổn vì dịch bệnh, hoạt động bán hàng có thể hoạt động bình thường, về dài hạn, triển vọng của MWG vẫn sẽ tốt", ông Nguyên cho biết.
Ngoài ra, tiềm năng của MWG còn nằm ở kết quả kinh doanh sẽ phục hồi tốt từ năm 2022 khi nhu cầu bị nén lại suốt mùa dịch sẽ chi tiêu mạnh mẽ hơn kể từ quý IV/2021 và năm 2022.
Nhìn chung, có nhiều lý do cho thấy giá cổ phiếu MWG trong ngắn hạn sẽ không chịu tác động tiêu cực đáng kể từ các "bê bối", nhưng về dài hạn nếu doanh nghiệp tiếp tục hành xử "trịnh thượng" như vừa qua có thể tạo ra những tác động không mong muốn đến cổ phiếu. Đặc biệt có khả năng mất điểm hoàn toàn với các quỹ đầu tư nước ngoài vốn luôn đặt nặng vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Minh Khuê