Năm 2017, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh vào cuối năm, với mức tăng đạt 48%. Đến quý I/2018, Vn-Index đã trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Nhờ thế mà các cơ quan quản lý có thể hoan hỉ với “thành tích” tăng này.
Tuy nhiên, mới đây trang tin Bloomberg đã nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có thành quả tệ nhất thế giới trong tháng 4/2018, khi chỉ số VN-Index giảm đến 10%.
Tăng sốc nhờ… “chỉ huy”?
Còn nhớ, trong những tháng đầu năm 2017, thị trường chứng khoán chỉ giao dịch quanh ngưỡng 700 điểm. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng tiền nhà đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán lại tăng mạnh.
Nếu như năm 2016, giá trị thanh khoản của thị trường chỉ đạt gần 3.000 tỷ đồng mỗi phiên và có rất ít phiên đạt hơn 5.000 tỷ đồng, thì sang năm 2017, con số 5.000 – 5.500 tỷ đồng mỗi phiên trở thành bình thường. Thậm chí có những phiên thanh khoản đạt tới gần 10.000 tỷ đồng.
Trước đó, giới chuyên gia cùng nhiều nhà đầu tư đã đưa ra dự báo về đỉnh của thị trường chứng khoán trong năm 2017 sẽ chạm ngưỡng 800 điểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lúc đó cũng cho rằng ngưỡng 800 điểm khó có thể xảy ra.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu bứt phá chỉ trong 3 tháng cuối năm 2017, mạnh nhất vào tháng 11. Chỉ tính riêng tháng 11, có thời điểm, Vn-Index tăng điểm 10 phiên liên tiếp, kéo chỉ số này vượt qua mốc 900 điểm, bỏ xa ngưỡng dự báo hồi đầu năm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VNM, ACB… thu hút dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, tạo hiệu ứng lan tỏa sang các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Sang tháng 1/2018, Vn-Index đã chinh phục thành công mốc 1.100 điểm. Lúc này, thị trường lại đứng trước áp lực của kỳ vọng Vn-Index sẽ vượt mốc 1.170 điểm lịch sử của năm 2007.
Nhà đầu tư hoàn toàn có đủ cơ sở để lạc quan về sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai. Hàng loạt những tín hiệu tốt được đưa ra vào thời điểm đó như dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt mức trên 6,6% trong năm 2018 và có thể sẽ duy trì ở mức cao trong 5 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát được kiềm chế dưới mục tiêu, tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức hợp lý.
Thêm nữa, thị trường được cung một lượng hàng hóa chất lượng, với 34/44 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công trong năm 2017.
Năm 2018 sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia niêm yết, đăng ký giao dịch. Với những yếu tố đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế…
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có thành quả tệ nhất thế giới trong tháng 4/2018, khi chỉ số VN-Index giảm đến 10% |
Giảm vì tự “điều chỉnh”?
Đúng như kỳ vọng, thị trường chứng khoán đã dần dần chinh phục mốc 1.170 điểm lịch sử và thiết lập đỉnh mới hơn 1.200 điểm trong những ngày đầu tháng 4.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, khi ngay sau đó, thị trường đã liên tiếp lao dốc, hiện đã mất hơn 20% giá trị kể từ đỉnh, chỉ trong vòng gần hai tháng.
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua chịu tác động bởi cả nguyên nhân bên trong và bên ngoài.
Thực tế, GDP của Việt Nam tăng trưởng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây không phải là yếu tố chính trong việc xác định giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết.
Đây là chỉ số chung của nền kinh tế, là sự đóng góp của tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có cả các doanh nghiệp FDI. Cần nhắc lại, hiện doanh nghiệp FDI đang đóng góp khoảng 20% GDP và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Câu chuyện không mới nhưng vẫn luôn tồn tại trong cách đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân nội là lạm dụng vay margin từ các công ty chứng khoán, khiến thanh khoản thị trường tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo đó, khi thị trường giảm 30-40 điểm thì việc “call margin” là điều chắc chắn xảy ra, xuất hiện tình trạng bán tháo cổ phiếu, thu tiền về của các công ty chứng khoán.
Do đó, sự sụt giảm của toàn thị trường có thể được xem là tất yếu khách quan khi vượt quá giá trị thực của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, những yếu tố bên ngoài đến từ thị trường thế giới cũng là một nhân tố tác động lên thị trường chứng khoán.
Việc điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam là cần thiết, bởi nội tại thị trường vẫn tồn tại nhiều yếu tố không bền vững, giá trị cổ phiếu vẫn chưa phản ánh đúng thực chất doanh nghiệp.
Nhưng câu hỏi nhiều người quan tâm lúc này là thị trường Việt sẽ tiếp tục giảm, hay sẽ tăng điểm trở lại.
Theo Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS, thị trường không thể ngày nào cũng tăng và tăng mãi, phải có giai đoạn dừng lại và điều chỉnh để tạo ra nền tảng tăng vững chắc tiếp theo._
Năm 2018 được nhận định thị trường chứng khoán vẫn trong xu thế tăng với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài.
Kịch bản năm 2017 có thể hoàn toàn được tái diễn trong nửa cuối năm 2018. Trong một chừng mực nhất định, đợt giảm giá cũng có tác động tích cực, giúp nhà đầu tư thận trọng tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường.
Qua đó, thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc, phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Linh Đan