Mới đây, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cho biết sẽ chính thức triển khai sản phẩm mới này trong tháng 6. Đây là sản phẩm phái sinh thứ hai trên thị trường chứng khoán tính đến thời điểm, sau sản phẩm hợp đồng tương lai.
CW sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán có mã giao dịch riêng và giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở.
26 mã cổ phiếu cơ sở
Theo công bố mới đây của Sở GDCK Tp.HCM (HoSE), hiện có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW, bao gồm: REE, SSI, DPM, VIC, STB, EIB, SBT, HPG, MSN, MWG, CII, CTD, DHG, GMD, VHM, ROS, HDB, VRE, MBB, FPT, TCB, VNM, VJC, PNJ, VPB, NVL.
Tiêu chí để trở thành chứng khoán cơ sở cho CW là thuộc nhóm VN30, có giá trị vốn hoá trong 5 tháng gần nhất đạt 5.000 tỷ đồng, khối lượng giao dịch bình quân trên 50 tỷ đồng/ngày, hoặc khối lượng giao dịch tối thiểu bằng 25% lượng cổ phiếu tự do lưu hành (free float) bình quân trong 6 tháng gần nhất. Bên cạnh đó, cổ phiếu phải có tỷ lệ Free float tối thiểu 20%, thuộc doanh nghiệp không có lỗ luỹ kế và kỳ hiện tại có lãi.
Hiện tại, trong khoảng 70 CTCK đang hoạt động, có 10 công ty chứng khoán đáp ứng tiêu chuẩn phát hành chứng quyền có đảm bảo như SSI, HSC, VND, MBS, ACBS,…
Mới đây, CTCK VnDirect cho biết dự kiến trong tháng 6 này sẽ chính thức phát hành sản phẩm CW với hai mã chứng khoán cơ sở cho chứng quyền là MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động và FPT của CTCP FPT.
Trước đó, SSI cũng cho biết đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) muốn phát hành 6 mã CW kỳ hạn 3-6 tháng dựa trên 4 cổ phiếu cơ sở là MBB (MB), FPT, MWG, HPG (Hòa Phát); CTCK HSC lên kế hoạch phát hành chứng quyền trên hai mã chứng khoán là MWG và MBB.
Về phía UBCKNN, các công tác chuẩn bị cho việc vận hành sản phẩm mới đã được hoàn thiện về khung pháp lý, quy trình thực hiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhân sự quản lý, vận hành sản phẩm… Kết quả thử nghiệm hệ thống giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán với các CTCK thành viên đã đạt yêu cầu và sẵn sàng cho việc triển khai giao dịch sản phẩm mới này.
Theo UBCKNN, trên thế giới đặc biệt là tại các nước như Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…, sản phẩm CW là tương đối phổ biến và thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Việc nhiều CTCK cùng phát hành CW trên cùng một chứng khoán cơ sở dấy lên lo ngại sẽ có tác động đến thanh khoản và giá cổ phiếu đó. Tuy nhiên, theo lý giải của lãnh đạo một CTCK, dù có cùng mã chứng khoán cơ sở nhưng các CW sẽ khác nhau ở giá thực hiện và ngày đáo hạn. Điều này sẽ giảm thiểu ảnh hưởng tới thanh khoản cũng như giá của cổ phiếu trên thị trường cơ sở.
Chia sẻ tại chuỗi hội thảo về sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, ông Trần Anh Dũng – Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK VnDirect, cho biết CW đi vào hoạt động sẽ mang đến một kênh đầu tư mới với tỷ lệ đòn bẩy cao, tỷ suất sinh lời cao, mức lỗ xác định và vốn đầu tư thấp chỉ bằng 7% – 15% giá chứng khoán cơ sở. Do đó, sản phẩm này đang được giới đầu tư chờ đợi và săn đón.
CW là một sản phẩm tài chính hấp dẫn để đầu cơ |
Hấp dẫn và rủi ro
Tuy nhiên, theo ông Dũng, sản phẩm chứng quyền cũng có nhiều rủi ro như vòng đời giới hạn, có thể mất toàn bộ vốn đầu tư ban đầu nếu như đáo hạn giá thanh toán chứng quyền nhỏ hơn giá thực hiện.
Một trong những lo ngại nữa là việc cổ phiếu làm chứng khoán cơ sở có khả năng sẽ bị "thao túng" bởi một bên nào đó để trục lợi.
Ngoài ra, khả năng tài chính của tổ chức phát hành cũng là một yếu tố quan trọng bởi nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán sẽ dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi chứng quyền đáo hạn.
Một chuyên gia chứng khoán cũng đưa ra lo ngại về "bong bóng" sản phẩm CW từ bài học của thị trường chứng khoán Trung Quốc với câu chuyện phát hành chứng quyền của công ty Thép Bao Steel vào năm 2005.
Ngay từ khi phát hành, giá chứng quyền đã có những diễn biến không liên quan đến diễn biến giá chứng khoán cơ sở khi liên tiếp tăng giá bất chấp giá cổ phiếu cơ sở giảm sâu. Trong suốt quá trình trước khi đáo hạn, giá cổ phiếu luôn được neo ở mức cao hơn rất nhiều so với mức giá lý thuyết.
Tuy nhiên, đến gần ngày đáo hạn, giá chứng quyền giảm mạnh, khi giá cổ phiếu cơ sở thấp hơn giá thực hiện thì chứng quyền ở trạng thái lỗ.Những nhà đầu tư đến sau thực sự đã không nhận được gì khi chứng quyền đáo hạn.
Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm 2005, đầu năm 2006, khối lượng giao dịch của 7 mã chứng quyền được phát hành có lúc đã vượt quá 50% khối lượng giao dịch của hơn 800 cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải.
Theo đó, việc triển khai sản phẩm CW sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, đây không phải là sản phẩm phù hợp với tất cả các nhà đầu tư bởi đây là một sản phẩm tài chính phức tạp, không phải nhà đầu tư nào cũng am hiểu về nó.
Đi kèm với cơ hội lớn luôn là rủi ro cao do đó trước khi quyết định đầu tư cần phải trở thành những nhà đầu tư thông thái.
Linh Đan