Tại Hội thảo Triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng Giao dịch chứng khoán phái sinh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết sản phẩm phái sinh thứ hai này đã chính thức được phê duyệt.
Thanh khoản liên tiếp giảm
Theo thống kê của HNX, tháng 9 vừa qua, giao dịch trên thị trường phái sinh tiếp tục giảm 14,87% so với tháng trước, khối lượng giao dịch đạt hơn 1,5 triệu hợp đồng.
Trong tháng 8, thanh khoản thị trường phái sinh cũng giảm 35,67% so với tháng 7. Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp, thanh khoản thị trường này sụt giảm.
Tính đến ngày 28/9, khối lượng mở (OI) toàn thị trường chỉ đạt 14.615 hợp đồng, giảm 4,6% so với 15.320 hợp đồng tại thời điểm cuối tháng 8.
Tuy nhiên, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên, tại thời điểm cuối tháng 9 đạt 46.556 tài khoản, tăng 9,6% so với tháng trước.
Trong tháng 9, có một mã sản phẩm là VN30F1808 đáo hạn ngày 18/9 và mã VN30F1811 đã được niêm yết bổ sung. Hiện có 4 mã hợp đồng đang được giao dịch là VN30F1810, VN30F1811, VN30F1812 và VN30F1903.
Cũng theo HNX, chiếm tới 99% khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh là các nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm 0,55%, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 0,12%.
Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán cũng giảm mạnh so với tháng 8, chiếm 0,32% khối lượng giao dịch.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HNX, cho biết sau hơn một năm chính thức đi vào hoạt động, chứng khoán phái sinh Việt Nam đang có những bước phát triển tốt với nhiều kết quả vượt kỳ vọng, đang làm tốt các nhiệm vụ như phòng ngừa rủi ro, cung cấp cơ hội đầu tư ngắn hạn cho nhà đầu tư và bình ổn thị trường cơ sở.
Quý II/2018, thị trường chứng khoán cơ sở rơi vào một đợt điều chỉnh lớn, đã có thời điểm chỉ số Vn- Index rơi về mốc dưới 900 điểm từ "đỉnh cao" 1.200 điểm, nhưng thị trường phái sinh lại tăng trưởng mạnh, liên tiếp lập kỷ lục trong tháng 5 và 6.
Theo một chuyên gia chứng khoán, thông thường, thị trường cơ sở và phái sinh có biến động cùng pha nhau, lên cùng lên, xuống cùng xuống và thường có sự hội tụ khi đáo hạn, nên chính sự bất thường đó đã bùng lên nghi vấn có "cá mập" thao túng thị trường.
Hơn nữa, hàng hóa trên thị trường phái sinh không phụ thuộc vào tổ chức phát hành, mà phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với sự vận động của thị trường trong tương lai và có thể mua bán trong ngày càng khiến giới đầu tư lo ngại.
Tuy nhiên, ngay sau khi thị trường cơ sở hồi phục thì những hợp đồng tương lai không còn được giới đầu tư đề cập nhiều đến trên các diễn đàn chứng khoán.
Việc thiếu vắng sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức là do phái sinh vẫn đang là một thị trường mới nên vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, như sản phẩm chưa đa dạng, nhiều quan ngại về cách thức vận hành, chức năng.
Trên thực tế, khi thị trường cơ sở hiện đang có tới 1.500 mã cổ phiếu thì thị trường phái sinh mới chỉ vận hành một sản phẩm duy nhất là hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index và 11 công ty chứng khoán là thành viên giao dịch.
Theo lãnh đạo HNX, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường phái sinh, những sản phẩm tiếp theo là Hợp đồng tương lai HNX30-Index và Hợp đồng tương lai TPCP.
Trong hai sản phẩm dự kiến sẽ được phát hành, dự kiến trong quý IV/2018 sẽ triển khai Hợp đồng tương lai TPCP và là sản phẩm thứ hai trên thị trường phái sinh.
Sản phẩm mới có làm phái sinh thêm hấp dẫn? |
Kỳ vọng mới
Tương lai gần, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình triển khai các sản phẩm khác như Hợp đồng tương lai trên cổ phiếu/nhóm cổ phiếu/chỉ số khác/quyền chọn trên cổ phiếu…
Hợp đồng tương lai TPCP chọn tài sản cơ sở là trái phiếu giả định kỳ hạn 5 năm lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn và mệnh giá 100.000 đồng.
Trái phiếu này được chọn là do có đặc điểm như TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành là để hạn chế tình trạng mất thanh khoản; tỷ lệ hoán đổi minh bạch, công bằng; đồng thời không tác động bởi hoạt động mua bán, hoán đổi của tổ chức phát hành có thể xảy ra trên từng mã trái phiếu cụ thể…
Việc đưa vào giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP được nhìn nhận không chỉ thêm lựa chọn đầu tư mới, cung cấp công cụ phòng vệ rủi ro về lãi suất cho các nhà đầu tư, mà còn cung cấp chỉ báo cho thị trường về giá của trái phiếu trong tương lai, giúp ổn định và phát triển thị trường cơ sở…
Phương thức thanh toán áp dụng đối với hợp đồng tương lai TPCP là thanh toán chuyển giao vật chất; tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ thực hiện chuyển sang hình thức thanh toán bằng tiền.
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam sẽ áp dụng 3 loại ký quỹ là: ký quỹ ban đầu (IM), ký quỹ biến đổi (VM), ký quỹ ban đầu đảm bảo thực hiện Hợp đồng tương lai TPCP (DM).
Đây cũng là sản phẩm được giới đầu tư trông đợi trong suốt thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều ý kiến quan ngại, bởi hiện vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ từ sản phẩm này.
Đơn cử như chưa có hướng dẫn về cách hạch toán kế toán đối với các tổ chức khi tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai TPCP; chưa có cơ chế về thuế, phí để khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn phát triển ban đầu…
Linh Đan