Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đến nay, nhà đầu tư cá nhân dần chiếm tỷ lệ áp đảo trên thị trường chứng khoán, cũng là nhân tố giúp thị trường thăng hoa trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là bộ phận nhà đầu tư thường chịu thiệt thòi trong vấn đề tiếp cận thông tin nên khó có thể nhận biết được tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như khó phân biệt được mức độ “mạnh, yếu” của cổ phiếu đang đầu tư.
Những mối quan hệ mật thiết
Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng đi xuống trong nhiều tháng qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tiếp ra quyết định xử phạt một loạt cá nhân có liên quan đến các “sếp” ngân hàng do giao dịch cổ phiếu không báo cáo. Mức phạt lớn nhất cho đến thời điểm này lên tới gần 1 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Trần Ngọc Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1/2021, mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2/2021, mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3/3/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.
Trường hợp công ty hoặc người nội bộ vi phạm công bố thông tin có thể là gợi ý cho một hành vi gian lận nào đó (ảnh minh họa: Int) |
Gần đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt bà Đỗ Anh Thư - Thư ký công ty của ABBank (mã: ABB) số tiền 10 triệu đồng vì hành vi bán 27.700 cổ phiếu ABB vào ngày 9/3/2021 nhưng không công bố thông tin dự kiến giao dịch.
Tương tự, một cá nhân khác là ông Lê Sỹ Hối là bố của bà Lê Cẩm Tú – Kế toán trưởng Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã : TPB) cũng bị phạt tiền 10 triệu đồng do bán 20.000 cổ phiếu TPB (tương ứng 200 triệu đồng) vào ngày 12/4/2021 “trong im lặng”.
Cách đây hơn một tháng, bà Nguyễn Thị Hảo là người có liên quan đến ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng giám đốc TPBank (vợ) đã bị phạt 30 triệu đồng do không báo cáo cơ quan chức năng về việc dự kiến giao dịch mua và bán 30.510 cổ phiếu TPB từ ngày 28/2-2/4/2019.
Trong tháng 8, ông Lê Quang Nghị là em rể ông Hàn Ngọc Vũ – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIB; em dâu Phó Tổng giám đốc SHB Lê Đăng Khoa là bà Nguyễn Thị Ngân cũng đều bị phạt 70 triệu đồng do “đãng trí” trong giao dịch chứng khoán.
Hồi tháng 6, thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt là em dâu của Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Dương Công Toàn do mua15.000 cổ phiếu LPB vào ngày 11/1 nhưng “quên” công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Cùng thời điểm và lỗi vi phạm , Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với bà Võ Thị Cẩm Hồng là chị gái của Phó Tổng giám đốc Sacombank Võ Anh Nhuệ.
Rủi ro tiềm ẩn
Đáng nói là những giao dịch “chui” kể trên đều diễn ra trong những tháng đầu năm 2021 – thời điểm thị trường chứng khoán thăng hoa chưa từng thấy. Hầu hết các nhận định của công ty chứng khoán đều lạc quan cho rằng diễn biến tích cực của thị trường sẽ còn được kéo dài đến cuối năm.
Trong "cơn say" chứng khoán, các nhà đầu tư miệt mài giao dịch, đu bám cổ phiếu mà không mảy may nghĩ đến những rủi ro tiềm ẩn bởi các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là từ những cổ phiếu vi phạm công bố thông tin.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội, trường hợp công ty hoặc người nội bộ vi phạm công bố thông tin có thể là gợi ý cho một hành vi gian lận nào đó trên thị trường chứng khoán, trong đó có giao dịch nội gián.
Lâu nay, quan sát trên thị trường chứng khoán có thể thấy, việc các nhà đầu tư “cá mập” được tiếp cận sớm nguồn tin từ doanh nghiệp và các kế hoạch “đẩy giá” cổ phiếu đã gây ra những biến động “gây choáng váng” tại cổ phiếu này, cổ phiếu kia.
Còn nhớ, năm 2012, báo chí từng đặt câu hỏi khi quan sát sự việc nhóm nhà đầu tư, trong đó có Eximbank, đã mua gom cổ phiếu STB của Sacombank để đạt đến tỷ lệ sở hữu lớn, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt khá muộn các giao dịch chạm ngưỡng phải công bố (sở hữu đến 5%) mà người mua không công bố thông tin.
Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Vân Trang, cán bộ CTCP Bê tông Xuân Mai bán chứng khoán khi biết công ty này chuẩn bị mua cổ phiếu quỹ. Cũng có trường hợp doanh nghiệp cấu kết với đơn vị kiểm toán đưa ra báo cáo tài chính kiểm toán không trung thực (như vụ CTCP Bông Bạch Tuyết).
Gần đây nhất là đà tăng mạnh của cổ phiếu FLC hồi đầu năm 2021 khi đi từ vùng giá dưới 5.000 đồng/cp lên 14.550 đồng/cp (hồi tháng 6) với hàng chục, hàng trăm nhà đầu tư có quy mô tài sản ròng vài trăm tỷ đồng chia sẻ thông tin và tham gia giao dịch cổ phiếu này.
Tất nhiên, đi kèm với đó là rất nhiều những câu chuyện tích cực về hoạt động doanh nghiệp như dự kiến niêm yết Bamboo Airways, mục tiêu tăng gấp 3 lần lợi nhuận... mà ai đó đã biết trước đa số cổ đông và các nhà đầu tư còn lại. Sau chuỗi ngày tăng mạnh là thời gian điều chỉnh dài không kém, đến nay FLC đang giao dịch tại vùng giá 10.000 đồng/cp, nhiều nhà đầu tư phải “khóc ròng”.
Theo đó, Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến nghị, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi rót tiền mua cổ phiếu của những công ty có “dớp” vi phạm.
Thực tế, trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm công bố thông tin trên thị trường nhưng mới chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về sức nặng của tính răn đe, thậm chí nghi ngại liệu có xử lý nương tay đối với các cá nhân có hành vi vi phạm?
Minh Khuê