Cổ phiếu KSA chỉ được giao dịch trở lại cho đến khi nguyên nhân dẫn đến việc bị tạm ngừng giao dịch được khắc phục hoàn toàn.
Trước khi nhận thông báo về việc bị tạm ngừng giao dịch, cổ phiếu KSA vẫn “kịp” tăng trần 5 phiên liên tiếp. Phiên gần nhất là phiên ngày 10/5 với thanh khoản đạt 3,4 triệu đơn vị, gấp gần 14 lần phiên giao dịch trước đó.
Từ cuối năm 2015, cổ phiếu KSA đã rơi vào vùng giá của “cổ phiếu trà đá” khi chỉ giao dịch quanh ngưỡng 4.000 – 6.000 đồng/cp. Tình trạng trở nên “bi đát” hơn khi đến nay, thị giá cổ phiếu chỉ còn 560 đồng/cp.
Giao dịch “tù mù”
Đáng chú ý, từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu này hầu như chỉ giao dịch với những phiên tăng trần và giảm sàn, chỉ vài phiên kết thúc ở sắc đỏ giảm giá hay sắc xanh tăng giá.
Trong khoảng thời gian chỉ giao dịch tăng trần và giảm sàn, Khoáng sản Bình Thuận đã liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Gần đây nhất là hồi cuối tháng 4, HoSE đã có thông báo về việc không chấp thuận gia hạn thời gian công bố báo cáo kiểm toán 2017 bởi lý do mà KSA đưa ra không được coi là một trong những lý do bất khả kháng.
Ngày 23/4, HoSE đã có công văn nhắc nhở KSA về việc chậm công bố Báo cáo thường niên năm 2017 và lần 2 báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017.
KSA đã bị nhắc nhở về việc chậm nộp báo cáo thường niên năm 2017 và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, BCTC quý I/2018.
Trước đó, ngày 22/2/2018, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu KSA vào diện kiểm soát đặc biệt, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của mỗi ngày giao dịch, nhằm bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.
Cụ thể, KSA đã không công bố thông tin trong Quyết định số 1156 của Cục Thuế Bình Thuận về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với KSA.
Trước đó, cổ phiếu KSA đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 14/10/2016 cũng vì vi phạm công bố thông tin.
Mặc dù giao dịch “tù mù” nhưng lượng khớp lệnh mỗi phiên của KSA lại rất lớn, đều đạt hàng triệu đơn vị.
Về kết quả kinh doanh, KSA cho biết năm 2017, doanh thu thuần KSA đạt 316 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2016 nhưng chỉ hoàn thành được 21% kế hoạch đặt ra (1.500 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế KSA đạt hơn 12 tỷ đồng, mặc dù tăng gấp đôi so với năm 2016 nhưng lại không đạt kế hoạch lợi nhuận năm (20 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của KSA đạt 1.274 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2016 là 1.243 tỷ đồng.
Trước khi nhận thông báo về việc bị tạm ngừng giao dịch, cổ phiếu KSA vẫn “kịp” tăng trần 5 phiên liên tiếp |
Hay những ván bài bịp?
Thời gian qua, có rất nhiều thông tin xấu liên quan đến Khoáng sản Bình Thuận, từ tình trạng hoạt động, vi phạm công bố thông tin đến quyết định phạt thuế.
Hồi cuối năm 2017, địa chỉ giao dịch của KSA trở thành một vấn đề “nóng” khi người dân tại Khu phố 11, phường Bình Tân, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận phản ánh KSA đã ngừng hoạt động tại địa chỉ này nhưng không hề có thay đổi trên giấy phép và công bố thông tin.
Đồng thời, trụ sở của các công ty con của KSA đặt tại Cụm Công nghiệp Thắng Hải, Xã Thắng Hải, Huyện Hàm Tân, Bình Thuận cũng không hề tồn tại theo những gì công ty công bố.
Nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận có công suất 60.000 tấn/năm do KSA xây dựng thì đã dừng thi công từ tháng 10 năm 2016. Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết dự án này chưa từng có tên trong danh sách cấp phép, đơn xin thủ tục đầu tư.
Gần đây, KSA mới có thông báo thay đổi địa chỉ giao dịch công ty từ khu phố 11, phường Bình Tân, thị xã Lagi tỉnh Bình Thuận về Khu công nghiệp Thắng Hải.
Từ năm 2016, Khoáng sản Bình Thuận cũng đã rất nhiều lần bị phạt do vi phạm công bố thông tin và công bố thông tin không chính xác.
Những diễn biến của KSA thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư gợi nhớ đến một cổ phiếu khoáng sản đầy tai tiếng là MTM.
Chính thức lên sàn UpCOM từ 15/4/2016, nhưng chỉ sau hai tháng, cổ phiếu MTM đã bị ngừng giao dịch do được cho là đã ngừng hoạt đông, trụ sở giao dịch trùng với địa điểm một quán ăn.
Mặc dù BCTC của doanh nghiệp này bộc lộ nhiều điểm đáng nghi ngại, nhưng hàng triệu cổ phiếu vẫn được giao dịch trong mỗi phiên.
Do đó, sau khi mọi việc vỡ lở, cơ quan chức năng vào cuộc, các nhà đầu tư mới ngã ngửa vì cổ phiếu MTM giờ chỉ là “đống giấy lộn”.
Nghiêm trọng hơn, MTM có dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin không đúng thực tế, hồ sơ đã được chuyển sang viện kiểm soát.
Trong những năm gần đây, cổ phiếu khoáng sản được cho là nhóm cổ phiếu tai tiếng nhất trên thị trường chứng khoán, cũng là nhóm doanh nghiệp có nhiều sai phạm nhất so với 5-7 năm trước đây.
Trên thực tế, một sự cố ý vi phạm quy định về công bố thông tin nhằm qua mặt nhà đầu tư có thể mang về hàng tỷ đồng cho “nhà cái” thì việc bị phạt vài trăm triệu đồng là quá nhỏ, chỉ như một chi phí dịch vụ.
Việc một cổ phiếu không có cơ sở thông tin rõ ràng, tăng giảm “tù mù”, nhưng thanh khoản lại luôn đạt khối lượng cao là do nhà đầu tư biết rủi ro nhưng vẫn muốn “chớp cơ hội” hay thực tế chỉ là cung cầu ảo đặt ra một câu hỏi khó có lời giải đáp.
Linh Đan