CTCP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội (Havisco) tiền thân là công ty Nghe nhìn Hà Nội trực thuộc Đài PTTH Hà Nội, được thành lập ngày 5/8/1989 với chức năng phục vụ sự nghiệp chính trị của Đài PTTH Hà Nội.
Sau khi cổ phần hóa (CPH), tính tới ngày 31/12/2017, bên cạnh cổ đông nhà nước chiếm 46,2% vốn điều lệ, cơ cấu cổ đông của Havisco chỉ có sự góp mặt của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Thương mại (TUDI) với 42,59% và cá nhân bà Lê Thị Hồng Thanh với 11,21%.
Kinh doanh thua lỗ
Lĩnh vực kinh doanh của Havisco sau khi CPH là cung cấp các dịch vụ kỹ thuật nghe nhìn, sản xuất phim, khai thác quảng cáo và sản xuất ca nhạc. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty trong những năm gần đây không mấy khả quan khi liên tiếp báo lỗ.
Theo kết quả kinh doanh mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của công ty đạt 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1,7 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp (DN) lại ghi nhận tới 2,8 tỷ đồng cùng các chi phí phát sinh khác khiến công ty lỗ 1,4 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên 6 tỷ đồng.
Tổng giá trị tài sản của Havisco ghi nhận sự giảm mạnh vào giai đoạn 2016 – 2017 từ mức 30,9 tỷ đồng xuống 19,38 tỷ đồng, tương đương 37,28%. Xu hướng này vẫn tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2018 với tổng giá trị tài sản giảm xuống mức 17,8 tỷ đồng, nợ phải trả 5,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2017, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với một số khoản mục có số dư lớn trên Báo cáo tài chính (BCTC) nhưng chưa có đủ biên bản, hồ sơ xác nhận.
Trên thực tế, lĩnh vực kinh doanh của Havisco đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ tư nhân, giàu tiềm lực về vốn với máy móc, thiết bị hiện đại.
"Trái ngọt" mà Havisco gặt hái được chủ yếu đến từ việc cho thuê mặt bằng nhờ sở hữu quyền thuê đất, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giải quyết tranh chấp tại một số khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Hồi tháng 4/2018, Havisco đã được gia hạn thuê thêm 30 năm đối với lô đất tại số 26 Hàng Dầu, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (trụ sở của công ty) có diện tích 290,8m2. Khu đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi Havisco được CPH.
Ngoài ra, Havisco đang có tranh chấp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tại khu đất của một số cơ sở tại Hà Nội như: số 61 Đinh Tiên Hoàng (59,5m2); tầng 1 số 39 Đinh Tiên Hoàng (29,5m2); số 51 Nguyễn Thái Học (55,4m2); E1 Bách Khoa (121m2)…
![]() |
Trụ sở Havisco nằm ngay ngã tư Hàng Dầu – Lò Sũ, cách hồ Hoàn Kiếm gần 100m |
Ai sẽ mặn mà?
Năm 2018, Havisco có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng, nhằm đảm bảo nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong khi Havisco đang gặp khó khăn về tài chính.
Trong khi hai cổ đông là TUDI và bà Thanh hoàn thành thực hiện quyền mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, góp đủ phần vốn theo phương án trên thì UBND Tp.Hà Nội lại không góp thêm vốn mà thực hiện bán đấu giá quyền mua như đã nêu.
Động thái này đã dẫn đến quy mô vốn và tỷ lệ sở hữu tại Havisco có sự thay đổi lớn. Theo đó, vốn điều lệ của Havisco mới chỉ tăng lên mức 31,52 tỷ đồng; TUDI trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ 67,56%, bà Thanh nắm giữ 17,78%, cổ đông nhà nước là 14,66%.
Nếu việc bán quyền mua của UBND Tp.Hà Nội thành công thì tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn 9,24%.
Đây không phải là lần đầu tiên, UBND Tp. Hà Nội muốn thoái vốn khỏi Havisco. Đầu năm 2018, UBND Tp. Hà Nội cũng đã thực hiện chào bán 462.000 cổ phần Havisco với mức giá 75.000 đồng/ cp, nhưng phiên đấu giá đã không thể diễn ra do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Với lượng quyền mua khá lớn cùng thực trạng của DN, câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ mặn mà với hơn 1,8 triệu quyền mua này, bởi giao dịch quyền mua hiện đang rất hạn chế trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Do chỉ là quyền mua nên sẽ phải thực hiện thêm một số thủ tục để sở hữu cổ phần mất khá nhiều thời gian khiến nhà đầu tư e ngại.
Hơn nữa, việc giao dịch quyền mua hiện nay rất khó khăn và hầu như chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức mua với khối lượng lớn nhằm mục tiêu đầu tư dài hạn.
Cách đây không lâu, Bộ GTVT cũng chịu cảnh "ế ẩm" trong đợt bán đấu giá 371,5 triệu quyền mua của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HNV) khi chỉ bán được 262.000 quyền mua, tương đương 0,07% tổng khối lượng chào bán.
Diễn biến "ế ẩm" này gây bất ngờ cho nhiều người bởi Vietnam Airlines là DN hàng đầu của ngành hàng không.
Như đã nói ở trên, giao dịch quyền mua chỉ phù hợp với nhà đầu tư tổ chức, mà với vị thế của một DN với mảng kinh doanh không mấy khả quan thì Havisco khó kỳ vọng thu hút được nhà đầu tư mới.
Tuy nhiên, nếu cổ đông lớn nhất là TUDI thực hiện mua vào số quyền mua này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 75% và nắm quyền chi phối kinh doanh tại Havisco cũng như số "đất vàng" mà DN đang sở hữu.
Được biết, TUDI là một DN hoạt động trong lĩnh vực địa ốc với các dự án tại Hà Nội như Friends Tower , Silver Wings…, ngoài ra còn là công ty mẹ nắm giữ 89% cổ phần của CTCP Đầu tư bất động sản Hapulico – chủ đầu tư Dự án Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng.
Linh Đan