Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về kết quả đăng ký quyền mua cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) do Bộ GTVT sở hữu. Thời gian tổ chức đấu giá là 8 giờ 30 phút ngày 22/5/2018.
Trước đó, Bộ GTVT thông báo bán đấu giá 271,5 triệu quyền mua với giá khởi điểm 6.026 đồng/quyền mua, tương ứng nếu bán thành công, Bộ GTVT nhận về tối thiểu 2.238 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN liên tiếp giảm giá
Theo kế hoạch, Vietnam Airlines thông báo phát hành hơn 191,19 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ phát hành 15,5753%, đồng nghĩa với việc cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua được mua 15,5753 cổ phiếu phát hành thêm.
Việc không thực hiện hết quyền mua cổ phiếu khi Vietnam Airlines tăng vốn lần này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại HVN.
Theo ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng, giá bán quyền mua lần này được đưa ra dựa trên diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường thời điểm quyết định chào bán, cộng với giá phát hành 10.000 đồng/cp, ước tính nhà đầu tư sẽ mua được cổ phiếu HVN với giá trung bình là 48.660 đồng/cp.
Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu HVN trên sàn chứng khoán lại không mấy tích cực khi liên tiếp giảm giá. Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch ở mức 35.600 đồng/cp, thấp hơn nhiều mức giá trên.
So với mức đỉnh 67.300 đồng/cp hồi đầu năm, cổ phiếu HVN hiện đã giảm 47,1% thị giá. Đây có thể là lý do giải thích vì sao các nhà đầu tư không mặn mà với quyền mua cổ phiếu HVN.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Vietnam Airlines vừa qua, trả lời cổ đông về việc kết quả kinh doanh tốt nhưng giá cổ phiếu lại đi xuống, ông Hiền cho biết tại ngày 10/5/2017, giá cổ phiếu HVN là 26.900 đồng/cp, như vậy so với mức giá ở thời điểm đó, mức tăng của cổ phiếu HVN đã là 44%.
Việc “ế” quyền mua đã được ban lãnh đạo Vietnam Airlines dự báo từ ĐHĐCĐ thường niên và cũng đưa ra phương án cho trường hợp này.
Theo đó, Bộ GTVT vẫn sẽ chi tiền mua cổ phần phát hành thêm của Vietnam Airlines, sau đó xây dựng phương án thoái vốn sau. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng kết hợp xây dựng phương án tăng vốn điều lệ lên khoảng 27.000-28.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 5/2017, Bộ GTVT được Chính phủ cho phép sử dụng toàn bộ số tiền chênh lệch khi xác định giá trị doanh nghiệp thời điểm cổ phần hóa là 1.068,6 tỷ đồng, để thực hiện quyền mua gần 107 triệu cổ phần và thực hiện thủ tục đấu giá quyền mua 57,8 triệu cổ phần khi Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Áp lực lợi nhuận
Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, hình thức cổ phần hóa Vietnam Airlines là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn với vốn điều lệ 14.101 tỷ đồng, trong đó cổ đông nhà nước nắm 75% vốn điều lệ.
Hiện tại, Bộ GTVT đang sở hữu hơn 1 tỷ cổ phần Vietnam Airlines tương ứng 86,16% vốn điều lệ.
Năm 2018, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu hơn 97.073 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2017.
Lo ngại dự báo nhiên liệu dầu thô sẽ tăng mạnh (75-80 USD/thùng), do đó Vietnam Airlines đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 2.421 tỷ đồng, giảm 23,3% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 1.959 tỷ đồng, tăng 2,5%.
Giải thích về việc kế hoạch kinh doanh năm 2018 thấp hơn so với năm trước, đại diện Vietnam Airlines cho biết chỉ tiêu kinh doanh được xây dựng dựa trên diễn biến của các yếu tố ảnh hưởng, trong đó có giá dầu và tỷ giá.
Lợi nhuận 2.241 tỷ đồng xây dựng dựa trên ước tính giá dầu chỉ tăng trên 10 USD. Hiện nay, với đà tăng giá dầu có thể tiệm cận khoảng 85 USD. Bên cạnh đó, hoạt động tỷ giá năm nay cũng sẽ bị ảnh hưởng và không còn thuận lợi như năm trước. Theo đó, nếu có thể hoàn thành được kế hoạch năm nay, đại diện Vietnam Airlines đánh giá đã là rất tốt và nỗ lực lớn của DN.
Theo cập nhật mới nhất, quý I/2018, Vietnam Airlines ước đạt doanh thu hợp nhất gần 25.500 tỷ dồng. Trong đó, doanh thu công ty mẹ ước gần 18.600 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 1.136 tỷ đồng, tăng 52,38% so với cùng kỳ. Theo Vietnam Airlines, sở dĩ lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc là do lợi nhuận công ty mẹ đạt 711 tỷ đồng, tăng 26,74% so với cùng kỳ. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN của các công ty con đều tăng.
Các công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn gồm: công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam, công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay, công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam, công ty TNHH MTV Dịch vụ Mặt đất Sân bay Việt Nam.
Ngoài ra, Vietnam Airlines còn nắm giữ trên 50% vốn cổ phần tại 10 công ty con khác và nắm giữ dưới 50% vốn cổ phần tại 6 công ty.
Theo lộ trình thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 được phê duyệt tháng 8/2017, Bộ GTVT phải giảm tỷ lệ sở hữu tại Vietnam Airlines xuống còn 51% so với 86,16% như hiện tại.
Linh Đan